Bộ trưởng lý giải giá xăng giảm chưa tương xứng thế giới

11/01/2016, 11:02

TCDN -

Bộ trưởng Tài chính trả lời thắc mắc của người dân về việc giá xăng trong nước giảm chưa tương xứng với mức giảm của giá dầu thế giới.

Trong năm 2015, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh tổng cộng 23 lần theo diễn biến giá dầu thô thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn khi giá dầu thế giới giảm 40% thì giá xăng trong nước bán lẻ chỉ giảm 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%.

Trả lời câu hỏi này trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 10/1, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo thống kê, chi phí dầu thô trong giá bán lẻ xăng dầu chỉ chiếm 40%, 50% trong giá dầu bởi lẽ từ dầu thô còn phải qua chế biến, rồi chi phí vận tải, dự trữ, nộp thuế. Điều này khẳng định tỉ lệ giảm giá dầu thô đầu năm so với cuối năm, đầu tháng so với cuối tháng không thể tương xứng với tỉ lệ bán lẻ xăng dầu.

"Để chứng minh điều này thì so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia thì giá xăng, dầu bán lẻ còn thấp khá xa so với các nước này", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn chứng.

Bộ trưởng Dũng cũng lý giải việc ngân sách và bội chi năm 2015 đạt chỉ tiêu bất chấp việc gí dầu thô thế giới giảm sâu là cú sốc đói với ngân sách Việt Nam. Theo đó, ngay từ năm 2014 Bộ Tài chính đã chủ động tính toán kịch bản về giá dầu thô 60,50,40 USD/thùng cho năm 2015, đề ra các giải pháp kiến nghị Chính phủ đề điều hành trong năm 2015. Như vậy, ngay từ đầu năm đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu ban hành các chính sách triển khai khi được Quốc hội thông qua, có hiệu lực trong năm 2015, ví dụ như sửa đổi 5 luật thuế, hay sửa đổi thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt … qua đó điều chỉnh chính sách thu, tăng thu nội địa giảm thu xuất, nhập khẩu từ dầu thô.

Thứ hai là tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan qua đó tăng cường thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước. Trong điều hành, tăng cường phối hợp với các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương phấn đấu tăng thu nội địa, đảm bảo hụt thu từ giá dầu thô suy giảm. Cụ thể tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế, nợ đọng, chống chuyển giá đến nay kết thúc năm chúng tôi đã thu được 40.000 tỉ nợ thuế của năm 2014 chuyển qua.

Trong điều hành ngân sách thì triệt để tiết kiệm chi đặc biệt chi thường xuyên để đảm bảo cân đối ngân sách, và triển khai quyết liệt công tác quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, cùng phối hợp với các địa phương quản lý đầu vào giảm chi phí thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Trao đổi với Đất Việt trước đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, giá xăng dầu Việt Nam giảm chưa tương xứng với mức giảm của giá dầu thế giới do việc giảm giá xăng phụ thuộc vào thuế, phí, tỷ giá, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn...

Khi ấy, ông so sánh giá xăng Việt Nam và Mỹ trong ngày 17/12/2015, theo đó giá mỗi lít xăng của Mỹ ở mức 11.900 đồng, trong khi đó ở Việt Nam là 16.400 đồng/lít.

"Chính sách giá xăng dầu phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi nước. Tất cả đều dựa trên giá thế giới nhưng có nước tăng nhiều, tăng ít, có nước giá xăng cao vì chính sách thuế phí, chi phí kinh doanh... khác nhau.

Tại sao phải so giá xăng Việt Nam với Mỹ mà không so với các nước trong khu vực? Là vì giá của Mỹ phản ánh giá thị trường chính xác nhất, ở đấy có sự cạnh tranh thực sự, nó luôn luôn căn cứ vào giá thế giới để tính, thuế và phí của họ tính hợp lý.

Cho nên, so sánh là phải xem xét với các nước trong khu vực và thế giới, trong khu vực có nước cao hơn, thấp hơn Việt Nam, nhưng so sánh để biểu hiện tương đồng, phản ánh đúng giá thị trường thế giới là giá xăng dầu bán lẻ của Mỹ. Giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam cao hơn Mỹ 4.000 đồng là quá cao, trong khi đó khả năng cạnh tranh của Việt Nam còn rất thấp, chi phí đầu vào quá lớn.

Càng hội nhập sâu thì sức ép càng lớn, mà lớn nhất là cạnh tranh về giá, chất lượng..., những yếu tố này Việt Nam đều thua. Cho nên Việt Nam sẽ thua trên sân nhà và chịu rất nhiều rủi ro do cơ chế này. Sự tụt hậu của Việt Nam đã hiện hữu do năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp, chi phí giá thành quá cao", ông Ngô Trí Long chỉ rõ.

Tổng hợp

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng lý giải giá xăng giảm chưa tương xứng thế giới tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận