Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đối diện chất vấn bao giờ đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động?

05/06/2019, 07:24

TCDN - Vướng mắc tại các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; đào tạo, sát hạch, cấp,... là những vấn đề "nóng" Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phải đối mặt tại phiên chất vấn.

Theo chương trình, 9h sáng 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ bắt đầu trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIV).

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Y tế; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng chia lửa cho Bộ trưởng GTVT.

Công tác xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm trước khi "tư lệnh" ngành giao thông ngồi lên "ghế nóng".

Hiện, Bộ GTVT còn 69 dự án có nợ đọng với giá trị gần 2.240 tỷ đồng, chủ yếu là nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và bổ sung giai đoạn 2014-2016.

the1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ đăng đàn trả lời chất vấn vào sáng 5/6. Ảnh: Bảo Lâm.

Các dự án còn thiếu vốn để quyết toán do không được kéo dài kế hoạch 2015 về trước và dự án nợ đọng do thay đổi hình thức đầu tư. Trong phương án sử dụng dự phòng chung kế hoạch trung hạn mới dự kiến bố trí vốn để trả nợ đọng 1/69 dự án được 82,9 tỷ đồng.

Việc để nợ đọng kéo dài gây rất nhiều khó khăn cho các đơn v.ị thi công, thực hiện dự án. Tại một số dự án, nhà đầu tư đã có khiếu kiện tới tòa án dân sự. Công tác triển khai các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn tồn tại những hạn chế, đặc biệt là vấn đề chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

Số liệu thống kê trong 3 năm, từ 2017 đến 2019 có tổng cộng 5/47 dự án chậm tiến độ (chủ yếu gồm các dự án đường bộ) và 5/47 dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư (chủ yếu gồm các dự án đường sắt đô thị).

Một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai trong thời gian qua phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, tăng lớn so với phê duyệt ban đầu, kéo dài thời gian thực hiện dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư chủ yếu tập trung ở các dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, thực hiện qua nhiều năm và đã được phê duyệt, triển khai từ giai đoạn trước.

Điển hình là các dự án đường sắt đô thị, trong đó một số dự án do Bộ GTVT phê duyệt và thực hiện (đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I); các dự án đường sắt đô thị khác do TP.HCM và TP. Hà Nội phê duyệt và thực hiện.

Đáng chú ý, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông (Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư) có kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2016. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 18.00 tỷ đồng, tăng hơn 9.230 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội mong chờ cầu trả lời chính xác của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về thời gian chính thức đưa vào hoạt động tuyến đường sắt đô thị này.

Các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến chất lượng các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau khi được đưa vào khai thác sử dụng đã bị hư hỏng; hư hỏng mặt đường tại quốc lộ 1 qua Phú Yên, Bình Định sau mưa bão; nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P28, P29 cầu Vàm Cống...khiến người dân bức xúc.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dán phù hiệu xe hợp đồng do Sở Giao thông vận tải cấp trên các xe hợp đồng tham gia thí điểm còn thực hiện chưa nghiêm. Một số đơn vị vận tải không chấp hành đúng các quy định như: Không có phù hiệu xe hợp đồng; hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định; không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế quy định.

Sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử với kinh doanh vận tải bằng taxi đã phát sinh nhiều kiến nghị từ hiệp hội taxi và phản ứng từ đơn vị kinh doanh vận tải taxi. Công tác kiểm tra, xử lý phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm còn gặp nhiều khó khăn.

Các vấn đề này và bất cập trong công tác quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe dự kiến được các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng GTVT cũng sẽ đối diện các câu hỏi liên quan đến tồn tại trọng thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo Nhà đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đối diện chất vấn bao giờ đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động? tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận