Chính sách tài khóa: Vẫn ít tính thị trường

19/04/2019, 09:58

TCDN -
Kiểm soát giá cả trong nước, áp trần lãi suất và tín dụng, kiểm soát tỷ giá, cắt giảm đầu tư công... là những biện pháp được áp dụng để phản ứng lại với những bất ổn vĩ mô do hậu quả của thâm hụt tài khóa kéo dài.



Không còn nhiều không gian tài khóa cho biện pháp kích cầu

GS, TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt NSNN thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Thực trạng này cũng dẫn đến Chính phủ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Để phản ứng lại với những bất ổn vĩ mô do hậu quả của thâm hụt tài khóa kéo dài, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác thường áp dụng các biện pháp mang nặng tính hành chính như kiểm soát giá cả trong nước, áp trần lãi suất và tín dụng, kiểm soát tỷ giá, cắt giảm đầu tư công... Những biện pháp ít tính thị trường này chỉ có tác động ngắn hạn nhưng có rủi ro tăng sự thiếu hụt tổng cung do chúng bóp méo thị trường các nhân tố sản xuất trong nước, nguồn lực sẽ được phân bổ một cách không hợp lý, và do vậy làm giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Điều này làm cho việc kiềm chế thâm hụt ngân sách càng khó khăn hơn và việc tăng hoặc áp thuế/phí mới là một trong những biện pháp cuối cùng mà Chính phủ có thể sử dụng. Tuy nhiên, gánh nặng thuế/phí cao sẽ làm giảm động cơ sản xuất, giảm tiết kiệm và đầu tư của khu vực tư nhân, đẩy nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn hơn.

PGS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, quy mô chi NSNN của Việt Nam đang ở mức cao. Tỷ trọng tổng chi/GDP năm 2018 mặc dù có giảm so với năm 2017 nhưng vẫn ở mức trên 30%. Chi cân đối NSNN/GDP cũng ở mức cao 28,34%, chỉ giảm nhẹ so với năm 2017 và cao hơn nhiều so với trung bình giai đoạn 5 năm 2013 - 2017. Trong tổng chi cân đối NSNN, chi thường xuyên đang ngày càng gia tăng và chiếm tỷ trọng lớn, liên tục cao khoảng 70% kể từ năm 2008.

Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư công đã giảm xuống (hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi cân đối NSNN), và việc sử dụng đầu tư công vẫn dàn trải và chưa hiệu quả. Gần đây, những khoản chi trả nợ (gồm cả lãi và gốc) đang ngày càng gia tăng và có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của NSNN trong tương lai.

Áp lực về chi dẫn tới áp lực tăng thu. Tuy nhiên, tốc độ tăng thu cân đối NSNN trung bình giai đoạn 2016 - 2018 giảm (trung bình 9,9% mỗi năm so với 11,4% giai đoạn 2011 - 2015 và 21% giai đoạn 2005 - 2010). Điều này phản ánh một phần thực trạng các nguồn thu thiếu bền vững trong những năm qua như thu từ dầu thô, tài nguyên, thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm trong khi thu nội địa khó khăn do tăng trưởng kinh tế thấp.

Tuy kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong năm 2018, bán vốn DNNN và bán các tài sản nhà nước gia tăng, nhưng tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2018 ở mức 3,67% GDP, tăng hơn so với năm 2017, mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng Quốc hội phê duyệt (3,7%). Điều này phản ánh chi tiêu và kỷ luật tài khóa trong năm 2018 vẫn chưa được cải thiện. Thâm hụt ngân sách cao qua các năm đã khiến nợ công tăng lên nhanh chóng. So với nhiều nước đang phát triển, Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ nợ công cao. Tỷ lệ nợ công trên GDP khoảng 61,4% năm 2018, vẫn nằm trong mức trần nợ công 65% mà Quốc hội cho phép, nhưng quy mô nợ gia tăng đang khiến mức chi trả nợ lãi vay ngày càng cao, theo đó, tỷ lệ ngân sách còn lại đầu tư cho phát triển suy giảm. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu NSNN cũng đã tiệm cận đến ngưỡng 25%, cao hơn quy mô trung bình của các nước đang phát triển thu nhập thấp và các nước châu Á.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, không có nước nào dành ngân sách cho chi thường xuyên cao như vậy, cũng không có nước nào có tỷ lệ chi tiêu hay đội ngũ cán bộ nhà nước cao như ở Việt Nam. Đây là một gánh nặng làm cho chi thường xuyên quá cao, trong khi ngân sách dành cho đầu tư phát triển, quá thấp. Điều này ảnh hưởng chung đến nền kinh tế, đồng thời cũng làm giảm đi động lực của những người đóng thuế, nhất là các doanh nghiệp. Nếu như người dân, doanh nghiệp cảm thấy tiền thuế được dùng cho đầu tư chung của đất nước như phát triển hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế, có lợi chung cho toàn dân sẽ sẵn sàng đóng thuế nhiều hơn. Nhưng nếu đóng 10 đồng thuế, trong đó 7 đồng để chia cho bộ máy nhà nước mà bộ máy đó nhiều khi không phục vụ được yêu cầu của người dân, không phục vụ tốt được cho doanh nghiệp, gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp thì họ không còn động lực để đóng thuế nhiều hơn cho nhà nước. Vì vậy, để cải thiện tình trạng này, đi kèm quyết tâm của Chính phủ, phải là sự quán triệt một cách nghiêm túc quyết tâm đó đến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Hơn hết, phải là sự triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, trước hết và quan trọng nhất là các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ.

Có thể dùng chính sách giảm thuế để khuyến khích

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, có thể dùng chính sách giảm thuế để khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Hiện còn khá nhiều chính sách thuế bất hợp lý, tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp. Ví như Nghị định 20/2017/NĐ-CP giới hạn chi phí lãi vay hợp lệ chỉ ở mức 20%, nếu vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế, quy định này là không phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán vốn chưa phát triển. Hay như cải cách thuế của Việt Nam đang bị xếp thứ 131/190 quốc gia trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm qua là quá thấp.

Theo các chuyên gia, quá trình điều chỉnh lại chính sách tiền tệ của Mỹ và EU trong thời gian tới kéo theo sự mất giá của các đồng tiền và giá cả gia tăng ở hầu hết các nước đang phát triển; cùng với bất ổn của giá dầu thế giới, sẽ tạo áp lực trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và giá trị VNĐ. Việc gia tăng cung tiền và tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát, đặc biệt là khi mức tăng trưởng thực tế đang cao hơn sản lượng tiềm năng, gây sức ép đến ổn định tài chính, trong khi hệ thống chưa xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn chưa được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách và nợ công tuy có giảm về tỷ trọng nhưng vẫn ở mức cao khiến dư địa cho chính sách tài khóa thu hẹp, doanh nghiệp luôn đối diện rủi ro tăng thuế, phí.

Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ trong chính sách thu, cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo. Đồng thời, cắt giảm nhanh chóng chi tiêu trong quản lý hành chính và cải thiện hiệu quả làm việc của bộ máy là giải pháp căn cơ hiện nay. Bên cạnh đó, việc sửa đổi cơ chế phân cấp theo hướng tạo quyền chủ động hơn cho địa phương trong phân bổ và quyết định ngân sách, nhưng đồng thời phải tăng cường tính kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở cấp địa phương.



Phương Linh - Tạp chí TCDN số 4/2019
Bạn đang đọc bài viết Chính sách tài khóa: Vẫn ít tính thị trường tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận