Chồng chéo quản lý 'dòng tiền' đầu tư của ACV

18/12/2018, 08:43

TCDN -

Nhiều hạng mục tại các sân bay xuống cấp, nhưng Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) không thể bỏ tiền đầu tư, cho dù nguồn vốn không thiếu.

Chồng chéo quản lý 'dòng tiền' đầu tư của ACV

ACV dù có tiền nhưng không thể sửa chữa sân bay do quản lý chồng chéo

Tại đề án trình Chính phủ và Bộ GTVT vào tháng 11/2018, ACV sẽ chi tới 78.000 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp 16 sân bay từ nguồn vốn của đơn vị. Ngoài ra, ACV còn đề xuất sửa chữa nâng cấp nhiều hạng mục hạ tầng, đường băng, nhà ga tại nhiều sân bay cũ.

Chó ‘tung tăng’ trên đường băng

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết: An toàn hàng không đang ở mức báo động, ngoài việc hành hung nhân viên hàng không, đến chuyện khách lên nhầm chuyến, bị cấm vẫn được bay đi Nga, người tâm thần trèo rào lên tận máy bay, đặc biệt, đầu năm 2018, phát hiện trường hợp hy hữu khi chó chạy rông trên đường băng…

“Đây là những trường hợp báo động đỏ về an toàn, an ninh hàng không cần nghiêm túc xử lý, rất may chưa có sự cố nào xảy ra”, ông Tống nói.

Ông Tống cũng phân tích thêm, ví dụ như trường hợp một tường rào hỏng, chó, mèo... lọt vào đường băng, ACV quản lý, chịu trách nhiệm về an ninh, an toàn của sân bay, dù có “sốt ruột” nhưng không thể tự bỏ tiền ra làm ngay lại cái tường rào khác. Sự chậm trễ này gây nên nhiều bất cập trong công tác đầu tư.

Gần đây nhất, tình trạng xuống cấp trầm trọng của 2 đường cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay cũng đã được ACV nhiều lần “kêu than” nhưng do vướng cơ chế, nên không thể sửa chữa ngay.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết: Nhiều hạng mục tại các nhà ga, đường băng, sân đỗ… xuống cấp nhưng ACV không được tự ý sửa chữa, dù nguồn vốn không thiếu. ACV buộc phải chờ xin ý kiến từ nhiều Bộ, ngành khiến công tác sửa chữa bị chậm trễ, gây mất an toàn hàng không.

Nên “quy về một mối”

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, sau khi ACV cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm hơn 90% cổ phần chi phối nên các tài sản khu bay vẫn thuộc quản lý của nhà nước, không thuộc quản lý của ACV. Vì vậy, mọi hoạt động sửa chữa, đầu tư ACV đều phải xin ý kiến, dựa theo cơ chế sử dụng ngân sách của nhà nước.

Trong khi đó, theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 1332, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT chỉ còn 10% dự phòng để giải quyết các tồn đọng.

Nguồn thu từ hoạt động khai thác tài sản khu bay thì phải thực hiện theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và chưa cân đối đủ để thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo, nâng cao năng lực mà ACV đề xuất.

Tiền ngân sách không đủ, cơ chế giao cho ACV quản lý khai thác hạ tầng khu bay cũng vẫn đang trong quá trình được Cục Hàng không VN xây dựng đề án trước khi trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt, ACV có tiền, do đó, muốn cũng không làm được.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng: Cơ chế điều hành, quản lý sân bay như vậy quá chồng chéo, bất cập. ACV là doanh nghiệp được giao sử dụng và khai thác khu bay nhưng lại không có quyền đầu tư và nâng cấp khi xảy ra hư hỏng.

“Đặc biệt, trong trường hợp cần cải tạo gấp, ACV có tiền muốn làm mà không được làm, như vậy quá vô lý. Vì thế cần “quy vào một mối” để tăng tính hiệu quả. Mặt khác, nhà nước chỉ quản lý và kiểm soát hành chính thôi”, ông Tống đánh giá.

Trước đó, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cũng kiến nghị Bộ GTVT giao ACV sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để triển khai ngay các dự án cấp bách, trực tiếp uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không nhằm tạo chơ chế tự chủ cho doanh nghiệp.

ACV chi 78.000 tỷ đầu tư 16 sân bay nào?

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, để đáp ứng nhu cầu hành khách đi lại tăng cao, ACV sẽ chi tới 78.000 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp 16 cảng hàng không (CHK) mới.

Đó là các sân bay, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài, Cát Bi, Phú Quốc, Cam Ranh, Vinh, Liên Khương, Tuy Hòa, Côn Đảo, Đồng Hới và xây dựng mới các nhà ga hành khách của sân bay Điện Biên, Nà Sản, Lào Cai.

Trước mắt, ACV đang lập dự án xây dựng nhà ga hành khách mới tại các sân bay Cát Bi, Vinh, Phú Bài, nâng công suất lên gấp đôi hiện tại, dự kiến khởi công năm 2019.

Về nguồn vốn xây dựng nhà ga, ACV ước tính tổng vốn cần 78 nghìn tỷ đồng (chưa tính CHK quốc tế Long Thành), trong đó 21.000 tỷ đồng đầu tư cho các dự án trong khu bay bằng nguồn vốn tích luỹ từ hoạt động kinh doanh khu bay. Còn khoảng 57.000 tỷ đồng bằng vốn tích luỹ từ hoạt động kinh doanh của ACV.

Theo Vietnamfinance

Bạn đang đọc bài viết Chồng chéo quản lý 'dòng tiền' đầu tư của ACV tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận