Cổ phần hóa để 'cứu' rạp chiếu phim nhà nước

14/11/2016, 09:39

TCDN - Trước sự đầu tư mạnh mẽ các rạp chiếu phim hiện đại của các đơn vị liên doanh và tư nhân, rạp chiếu phim nhà nước thực sự đang chịu một sức ép lớn, và nếu không thay đổi sẽ phải đóng cửa. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần xoay quanh chủ đề này.

rap
Rạp Dân Chủ - 211 Khâm Thiên (Hà Nội) đã phải đóng cửa do nguồn thu không đủ bù chi. Ảnh: H.Q

* PV: Nhắc đến những rạp chiếu phim như Dân Chủ, Tháng 8, Kim Đồng… tại Hà Nội của thập niên 80, 90 của thế kỷ trước gợi lên trong ông điều gì?

Hiện các rạp nhà nước đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Nhiều rạp vẫn do nhà nước quản lý, họ vẫn được bao cấp nhưng lại thiếu sự cạnh tranh, đổi mới khiến các rạp nhà nước ngày càng đìu hiu và dần bị người xem quên lãng.

nguyen huu phan

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

- Ông Nguyễn Hữu Phần: Tôi ở Hà Nội từ nhỏ nên tôi đi xem phim ở nhiều nơi. Ngay cạnh nhà có rạp Đại Đồng, rạp Bắc Đô, ở bờ Hồ lại có những rạp thường xuyên chiếu phim tài liệu.

Thời hoàng kim ấy cũng rất ít loại hình giải trí cho nên phim là loại hình giải trí lớn nhất. Mọi người cũng thường phải xếp hàng để có thể sở hữu một vị trí trong rạp.

Tuy nhiên, hiện các rạp nhà nước đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Nhiều rạp vẫn do nhà nước quản lý, họ vẫn được bao cấp nhưng lại thiếu sự cạnh tranh, đổi mới khiến các rạp nhà nước ngày càng đìu hiu và dần bị người xem quên lãng.

* PV: Phải chăng, chính vì việc thiếu cạnh tranh giữa các rạp với nhau khiến cho các rạp quốc doanh này ngày càng vắng khách và bị co hẹp phạm vi hoạt động của mình?

- Ông Nguyễn Hữu Phần: Theo Luật Điện ảnh, chúng ta bắt đầu cho tư nhân vào đầu tư tại Việt Nam từ sản xuất phim cho đến chiếu phim. Trong luật có những quy định có rạp thì anh được nhập phim. Vì thế những doanh nghiệp nước ngoài khi sang đây họ có xây dựng hệ thống rạp và họ có mối liên kết nên nhập được nhiều phim hay, chất lượng…

Trong khi doanh nghiệp nhà nước là cơ quan sự nghiệp nên không có quyền nhập phim. Thêm vào đó, kinh phí hạn chế, không đầu tư nên hệ thống rạp chiếu cũ kỹ, gần như không có nhiều thay đổi. Nhưng nhu cầu giải trí chất lượng cao của khán giả không ngừng nâng cao, rạp phim phải là một tụ điểm văn hóa, trong đó có siêu thị, quán ăn, chỗ vui chơi…

* PV: Trong khi rạp nhà nước sống lay lắt thậm chí phải đóng cửa như vậy, nhưng vì sao cùng một cơ chế như thế mà Trung tâm chiếu phim quốc gia hiện nay lại trở thành một tụ điểm văn hóa thu hút đông đảo giới trẻ ?

- Ông Nguyễn Hữu Phần: Tôi được biết khi anh Nguyễn Danh Dương về làm giám đốc, anh ấy đã biết tận dụng hết các lợi thế của rạp như vị thế đẹp, diện tích lại khá rộng. Anh Dương còn dám huy động tiền để đầu tư, trang bị lại toàn bộ các thiết bị.

Hiện rạp có hệ thống máy chiếu tốt, âm thanh 7.1 và nhiều phòng chiếu hiện đại. Với hệ thống cửa hàng ăn uống, người ta đến đấy ngoài việc xem phim thì họ còn có thể vui chơi ở trong đó.

* PV: Vậy đó được coi là một cách thức để cứu các rạp khác nữa hay không?.

- Ông Nguyễn Hữu Phần: Tôi thấy Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng đã xây dựng được mô hình hay, tại sao chúng ta lại không xây dựng mô hình như thế? Các rạp vẫn do nhà nước quản lý, có thể cổ phần hóa hoặc giao cho họ quyền độc lập, tự thu, tự chi. Người ta sẽ phải lo tìm ra cách để duy trì rạp hoạt động, kể cả chuyện cho mở nhà hàng, quán café để tăng nguồn thu.

Bây giờ ngay cả những rạp lớn, bán bỏng ngô và nước uống chiếm một thị phần lớn trong doanh thu chứ không phải bán mỗi vé chiếu phim. Muốn thế, nhà nước cần tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi như tạo vốn đầu tư ban đầu để làm sao người quản lý cũng như cán bộ công nhân viên sống bằng sự thành công của rạp, chứ không phải sống bằng sự bao cấp của nhà nước.

* PV: Như vậy trong trường hợp, chúng ta không thay đổi được cơ chế, hoặc chúng ta có tiến hành thay đổi nhưng vẫn không vực dậy được thì theo ông cách tốt nhất sẽ để cho các rạp chiếu phim đóng cửa hay sẽ phải tìm phương thức khác?

- Ông Nguyễn Hữu Phần: Tôi nghĩ trong cơ chế thị trường, anh có sống được, có tự kinh doanh, nuôi mình được thì anh mới tồn tại được, không thì sẽ bị đào thải.

Tuy nhiên, cũng có cái khó khi chúng ta bàn về quyền bình đẳng của người xem phim. Ví dụ, tại sao người dân thành phố được xem những phim bom tấn ở các rạp hiện đại trong khi người dân ở nông thôn, miền núi họ không được xem.

Đáng lẽ trong quy hoạch mỗi đô thị thì chúng ta phải có quy hoạch về rạp chiếu phim, rạp hát. Tuy nhiên, cũng cần nhìn vào thực tế do số thu thấp nên các đơn vị tư nhân không mấy mặn mà để đầu tư. Bởi lý do nhu cầu xem phim bom tấn của người dân chưa cao nên nguồn thu không thể bù được khoản đầu tư.

Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi thấy chúng ta muốn phát triển rạp thì chúng ta còn một việc là phát triển khán giả. Tôi được biết ở Hàn Quốc, nhà nước đã chi một khoảng tiền lớn cho những người làm điện ảnh cộng đồng. Theo đó, họ đến tận trường phổ thông, đoàn thanh niên, hội phụ nữ...để hướng dẫn mọi người cách làm phim, xem phim...Trình độ điện ảnh được nâng cao nên khán giả cũng đòi hỏi những bộ phim chiếu phải tốt hơn.

Ở nước ta việc nâng cao dân trí về điện ảnh rất cần thiết và cần có chính sách của nhà nước. Ở trong trường phổ thông, chúng ta dạy cả văn học, âm nhạc, mỹ thuật…nhưng chúng ta lại chưa dạy điện ảnh. Giáo dục điện ảnh cộng đồng là việc làm cho chúng ta có nền tảng xã hội để các rạp chiếu phim nhà nước có thể tồn tại được, chúng ta chưa làm được điều đó.

* PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa để 'cứu' rạp chiếu phim nhà nước tại chuyên mục Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận