Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn tình trạng “bình mới, rượu cũ“

30/11/2018, 03:21

TCDN - Theo PGS Trần Đình Thiên, tiến độ cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm và vẫn còn tình trạng "bình mới rượu cũ".

Phát biểu tại Diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trong bổi cảnh toàn cầu hóa” sáng nay (30/11) tại Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Khách - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn rất chậm.

Ông Khách cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách Nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.

Các DNNN có quy mô lớn, là lực lượng nòng cốt thực hiện những cân đối lớn trong nền kinh tế, song vẫn có nhiều tồn tại, trong đó vẫn chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Văn Khách chỉ rõ.


Diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” tại Hà Nội, sáng nay (30/11).

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cùng một lúc có nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước như Bộ, ngành chủ quản, địa phương, SCIC, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong khi đó, việc phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước còn nhiều bất cập.

Cùng chung nhận định này, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tiến độ cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm và vẫn còn tình trạng "bình mới rượu cũ".

Ông Thiên nhấn mạnh: Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp đã có cơ cấu vốn mới nhưng đội ngũ lãnh đạo hầu như vẫn là những người cũ.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp trong khi kế hoạch năm 2018 phải cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Về kế hoạch thoái vốn, chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn (kế hoạch năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp).


Sau cổ phần hóa, nhiều DNNN vẫn trong tình trạng "bình mới rượu cũ". (Ảnh minh họa: KT)

Về giải pháp, TS. Nguyễn Văn Khách cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập, thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng.

Tuy nhiên, cần phải xây dựng hệ thống quản trị DNNN tiệm cận thông lệ quốc tế cụ thể là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại của OECD, từng bước áp dụng cho các DNNN đã cổ phần hóa, DNNN nói chung, ông Khách nói.

Bên cạnh đó, cần phải nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát DNNN. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN.

Thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá DNNN bằng quy định pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn./.
Theo ThoibaotaichinhVietnam
Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn tình trạng “bình mới, rượu cũ“ tại chuyên mục Cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận