Công nghiệp hỗ trợ: Tỷ lệ nội địa hoá thấp

29/01/2019, 01:54

TCDN -

Hiện doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu một số doanh nghiệp lắp ráp. Tuy nhiên, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo số liệu của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động. Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cả nhà quản lý và các doanh nghiệp.

Ông Idei Ippei, nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) dẫn kết quả khảo sát của JETRO trong năm 2017, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Trong đó, tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa Việt Nam chỉ đạt trên 13%, trong khi Trung Quốc là 40%, Thái Lan gần 24%...

Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại chỗ của các doanh nghiệp Nhật Bản lớn. Khoảng 80% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời 64% doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn tăng tỷ lệ cung ứng nội địa để rút ngắn thời gian giao hàng.

Riêng trong lĩnh vực ô tô, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thị trường công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô đã hình thành và phát triển, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu một số doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, nhìn chung, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô cung ứng trên thị trường còn kém. Đa số doanh nghiệp nội về công nghiệp hỗ trợ chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Tỷlệnộiđịahóađốivớixecánhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7 - 10%. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Trong khi, để làm một chiếc ô tô phải cần từ 30.000 - 40.000 linh kiện.

Các chuyên gia nhận định, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện. Chẳng hạn, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam. Hơn nữa, công nghiệp hỗ trợ có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa được hình thành...

Từ góc độ địa phương, ông Tạ Đăng Đoan, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, chỉ riêng các nhà máy lắp ráp điện thoại của Sam sung, Nokia, máy in của Canon đòi hỏi tới hàng trăm nhà sản xuất cung cấp linh kiện. Nhưng Bắc Ninh chỉ có khoảng trên 130 doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, bảng mạch, phụ kiện, chi tiết cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm điện tử, tạo ra 11,3% giá trị sản xuất công nghiệp.

3 giải pháp trọng tâm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển công nghiệp hỗ trợ phải tập trung váo các giải pháp sau: Thứ nhất, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển công nghiệp đất nước nói chung, đặc biệt chú trọng khởi nghiệp sáng tạo định hướng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Bởi “không ai làm thay doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ”. Doanh nghiệp Việt Nam phải có khát vọng gia nhập chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị.

Thứ hai, đào tạo nhân lực công nghiệp, nhất là trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các địa phương, doanh nghiệp, các ngành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải tính vấn đề này. Đào tạo theo nhu cầu là quan trọng.

Thứ ba, phải coi khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ là khởi nghiệp sáng tạo để tạo mọi điều kiện cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ ở địa phương. Có nhỏ mới có lớn, nhỏ phục vụ lớn, lớn tạo điều kiện cho nhỏ.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam kém phát triển sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cũng như gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay đã ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khâu tổ chức thực hiện các chính sách này, với sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành. Đặc biệt, là các chính sách, giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để từng bước có khả năng tham gia sâu hơn vào dây chuyền sản xuất công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của toàn bộ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong đó, phải có doanh nghiệp dẫn đầu, đầu ngành và một mạng lưới, hệ thống các doanh nghiệp bao quanh, cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn. Bản thân doanh nghiệp này hướng đến xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nhằm xây dựng phát triển đồng bộ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định, phải có các khu triển lãm tích hợp để triển lãm thành tựu, trưng bày nghiên cứu, chào bán hàng hóa, trưng bày ý tưởng... Chính phủ cần xây dựng các trung tâm tích hợp để công nghiệp Việt Nam show hàng cho các doanh nghiệp quốc tế tới, đặt trụ sở ở Việt Nam.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải - Thaco đề xuất, Chính phủ cần có các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Với các chính sách hợp lý nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất trong thời gian dài của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bản thân các doanh nghiệp ô tô và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng cần đẩy mạnh liên kết trong chuỗi sản xuất nhằm hợp tác, phân công sản xuất, tận dụng các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau để cùng phát triển.

Hữu Thắng - Tạp chí TCDN số 1+2/2019

Bạn đang đọc bài viết Công nghiệp hỗ trợ: Tỷ lệ nội địa hoá thấp tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận