DATC: Tăng cạnh tranh, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển

28/11/2018, 02:35

TCDN - Việc trao thêm quyền cho DATC được xem là giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đồng thời thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển.

Tuy nhiên, không ít ý kiến quan ngại, điều này liệu có dẫn tới tình trạng DATC và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) “dẫm chân” nhau trong hoạt động mua bán và xử lý nợ.



Nợ phải trả của DNNN tăng

Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổng số nợ phải trả năm 2016 là 1.517.461 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011 (Công ty mẹ là 829.600 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2011). Hệ số nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn) bình quân là 0,54 lần (Công ty mẹ là 0,43 lần) chưa vượt quá mức trần huy động vốn theo quy định (03 lần vốn chủ sở hữu). Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (Tổng tài sản/tổng nợ phải trả) bình quân là 1,84 lần (Công ty mẹ là 2,35 lần), doanh nghiệp vẫn có đủ tài sản đảm bảo vay.

Đối với các doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, năm 2016 tổng số nợ phải trả là 325.335 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 53% tổng số nợ phải trả. Khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con cổ phần có tổng số nợ phải trả theo số liệu báo cáo hợp nhất là 301.694 tỷ đồng, chiếm 93% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp cổ phần. Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu bình quân là 1,94 lần.

Trong khi đó, với chức năng là công cụ của Chí́nh phủ để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và tổ chức kinh doanh theo cơ chế thị trường, số lượng nợ của DNNN được xử lý thông qua hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấy doanh nghiêp của DATC còn khiêm tốn.

Luỹ kế từ năm 2004 đến cuối năm 2016, số doanh nghiệp đã được DATC tiếp nhận là 2.628 doanh nghiệp, với giá trị nợ và tài sản tiếp nhận là 4.573,63 tỷ đồng (trong đó giá trị tài sản: 2.132,2 tỷ đồng, doanh nghiệp xử lý trước bàn giao: 173,075 tỷ đồng); số doanh nghiệp có tài sản được xử lý là 1.848 doanh nghiệp với giá trị thực tế thu hồi là 664,836 tỷ đồng. Về công tác mua bán nợ và tài sản, năm 2016, DATC đã trực tiếp mua và xử lý 7.132,722 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong nước, ngoài nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, DATC đã mua để xử lý gần 1.500 tỷ đồng nợ phải thu của các tổ chức tín dụng, đang đàm phán để mua lại các khoản nợ của các chủ nợ với giá trị khoản nợ khoảng hơn 6.000 tỷ đồng.

Đối với công tác tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ, trong 6 tháng đầu năm Công ty đã thực hiện tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ tại 12 doanh nghiệp với giá trị tiếp nhận là 52,3 tỷ đồng. Trong đó: tài sản là 12,2 tỷ đồng, nợ là 38 tỷ đồng, doanh nghiệp tự xử lý trước bàn giao là 2,1 tỷ đồng.

Như vây, nợ DNNN thời gian qua vẫn có xu hướng tăng, nhưng số lượng nợ được DATC tiếp nhận và xử lý thông qua hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp còn khiêm tốn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước có dấu hiệu chậm, khó đạt mục tiêu đề ra,

Cần mua bán giao dịch thật

Để tăng quyền cho DATC, qua đó đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn nàh nước, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, Trong đó, bổ sung một số quyền như: DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hoá; tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ, để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước; cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn tín dụng cho các doanh nghiệp mà công ty này tham gia cơ cấu.

Việc bổ sung nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn cho DATC như trên có không ít ý kiến quan ngại. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp DNNN, thu nhỏ khu vực DNNN, tăng quy mô hoạt động cho DATC có thực sự cần thiết, điều này có dẫn tới DATC và VAMC "dẫm chân" nhau trong hoạt động mua bán và xử lý nợ?

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp DATC thực hiện hỗ trợ, xử lý tài chính và tham gia tái cơ cấu hầu hết là các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nếu được DATC cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn tín dụng, các doanh nghiệp này sẽ nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất. Đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấy, xử lý tài chính cho doanh nghiệp, cụ thể là tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Nếu được tăng quyền, hoạt động DATC sẽ vừa bổ trợ, đồng thời cạnh tranh với VAMC trong việc xử lý nợ xấu. Cụ thể, hiện VAMC mua, bán, xử lý nợ xấy của tổ chức tín dụng. Còn DATC, theo dự thảo nghị định, sẽ được mua, bán, xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế nói chung, gồm cả tổ chức tín dụng lẫn cá nhân.

Qua đó, phát huy thế mạnh của DATC, đối tượng doanh nghiệp được xử lý nợ, gắn với tái cơ cấu, phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ đa dạng hơn.

Thêm nữa, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) việc VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt chỉ là bước ban đầu để làm "thanh thoát" cho bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại, giảm một phần chi phí cho các ngân hàng.

Để xử lý triệt để nợ xấu, đòi hỏi phải có mua bán giao dịch thật các khoản nợ xấu này. Để làm được như vậy, phải tạo đủ quyền năng cho các tổ chức xử lý nợ xấu, tạo thêm nguồn lực và sửa đổi khung khổ pháp lý để hình thành thị trường mua bán nợ thực sự.

Có thể thấy, cơ chế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và chỉ phân tích các khoản nợ xấu từ 10 tỷ trở lên của VAMC có phần hạn chế hơn việc DATC mua nợ bằng tiền mặt. Rõ ràng là DATC với chức năng và nhiệm vụ mở rộng sẽ có ích cho xử lý nợ xấu ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Hồng Thu, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận định, sứ mệnh của VAMC chủ yếu là xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, VAMC được đánh giá cao ở khía cạnh "làm sạch" bảng cân đối cho các ngân hàng hơn là mua bán nợ xấu, xử lý thực sự bằng phương pháp thị trường. Theo quy định, các ngân hàng có dư nợ xấu trên 3% phải bán nợ cho VAMC, giá mua theo giá trị ghi sổ trừ đi trích dự phòng và trả bằng trái phiếu đặc biệt. Với những quy định mang tính bắt bược hành chính này, năm 2017, VAMC thực hiện mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt 31.831 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị trường 3.141 tỷ đồng. Bán nợ 6.472 tỷ đồng, xử lý tài sản đảm bảo 4.865 tỷ đồng và thu nợ 30.641 tỷ đồng. Nếu so với số nợ xấu mà công ty này đã mua, con số đã xử lý được là rất nhỏ, chưa kể nguy cơ nợ xấu mới phát sinh vẫn hiện hữu.

Một quan ngại nữa là nợ xấu có thể sẽ tiếp tục tăng lên với những khoản không thu hồi được; chưa kể những tác động từ nền kinh tế hay rủi ro tí́n dụng từ cho vay bất động sản đang bị cảnh báo là “nóng” lên. Cho đến nay nợ xấu được xử lý chủ yếu theo ba kênh: Từ phần bán qua VAMC, từ nguồn lực trí́ch lập dự phòng của các tổ chức tí́n dụng và từ phần thu hồi được. Trong điều kiện không được sử dụng tiền ngân sách Nhà nước, nếu đẩy nhanh được quá trình và mức độ thu hồi, nợ xấu sẽ xử lý nhanh hơn và thực chất hơn. Tuy nhiên, các tổ chức tí́n dụng hiện đang gặp nhiều rào cản khi thu hồi nợ. Mặc dù quyền của các ngân hàng trong thu giữ tài sản được luật quy định rõ, nhưng khi thực thi gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, quyền thu giữ tài sản được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 11/2012 /NĐ-CP nêu rõ: Các tổ chức tí́n dụng có đầy đủ quyền hạn tự mình và chủ động xử lý nợ nếu như đã có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Cụ thể, quyền thu giữ tài sản bảo đảm; bán tài sản bảo đảm; nhận chí́nh tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ...

Ngay cả VAMC, dù được bổ sung thêm nhiều quyền nhưng quyền tự quyết đối với tài sản đảm bảo chưa đầy đủ cũng khiến công ty này “chùn tay” khi xử lý nợ. Tài sản bảo đảm của khách hàng tại ngân hàng chủ yếu là bất động sản. Thống kê cho thấy có khoảng 70% trong tổng nợ xấu VAMC đã mua là tài sản thế chấp bất động sản. Trong khi đó quy trình để xin cấp giấy chứng nhận hay chuyển quyền giấy chứng nhận nhà đất gặp nhiều vướng mắc và mất nhiều thời gian. Chưa kể từ lúc ngân hàng khởi kiện đến lúc thi hành một bản án quá lâu nên việc xử lý khoản nợ xấu gặp khó khăn. Qua thực trạng trên có thể thấy vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thông qua VAMC chưa thực chất.

Một vấn đề khác, thị trường mua bán nợ vẫn chưa thực sự phát triển: (i) số lượng các công ty tham gia mua nợ chuyên nghiệp còn hạn chế dẫn tới tình trạng độc quyền mua, giá chào mua thường thấp, trong khi năng lực tài chính và nhân sự các công ty tham gia mua bán nợ xấu còn hạn chế; (ii) Thị trường mua bán nợ xấu hiện chủ yếu là thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp cho hoạt động này kém phát triển; (iii) Công cụ và phương thức mua bán nợ xấu chưa đa dạng, chỉ được thực hiện dưới 2 hình thức: mua bán nợ theo thoả thuân (VAMC) và mua bán nợ theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ (DATC); (iv) Các công ty mua bán nợ chưa có sự hỗ trợ tích cực nhất là vấn đề tài chính cho doanh nghiệp khách nợ sau khi tái cơ cấu tài chính; (v) Các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu còn chưa đủ hấp dẫn.

Do vậy, việc cho phép DATC hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp là cần thiết. Qua đó thúc đẩy phối hợp giữa VAMC với DATC cũng như với các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp có chức năng tái cấu trúc doanh nghiệp khác cùng với việc nhanh chóng phát triển thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều này phù hợp thông lệ và xu hướng phát triển thị trường tài chính quốc tế.

Xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp



Để khắc phục tình trạng nợ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các DNNN, các chuyên gia cho rằng, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp được xem là giải pháp ưu tiên. Cụ thể, cần tập trung vào các vấn đề như: (i) Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và đánh giá hiệu quả hoạt động của các DNNN, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp của các bộ, ban, ngành; (ii) Bản thân các DNNN cần đẩy mạnh hoạt động giám sát thường xuyên tài sản vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kịp thời phát hiện những bất cập, sai sót, chống phát sinh nợ xấu, góp phần bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (iii) Tăng cường các chế tài bảo đảm tí́nh công khai, minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chí́nh hàng năm của các DNNN cũng như các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán; (iv) Xử lý nghiêm những sai phạm trong việc báo cáo, thông tin tài chí́nh, quy rõ trách nhiệm đối với những người đứng đầu doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý trong DNNN; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp.

Mặt khác, việc vốn hóa các khoản nợ xấu là thực sự cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn. Theo đó, sau khi đã xác định chí́nh xác giá trị tài sản thế chấp để xử lý, Nhà nước có thể vốn hóa các khoản nợ xấu theo các phương pháp: (i) Chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn nhằm hỗ trợ thanh khoản và giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển; (ii) Chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành vốn góp, vốn cổ phần.

Đồng thời, chuyển vị thế các chủ nợ thành cổ đông lớn nắm đa số cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển. Cách này không những cứu được doanh nghiệp khỏi nguy cơ giải thể phá sản mà còn bảo toàn được nguồn vốn của các tổ chức mua nợ, ngân hàng; (iii) Để các điều kiện cơ bản tiến trình chứng khoán hóa được thành công, trong vai trò đồng chủ nợ các ngân hàng cần tí́ch cực nâng cao tí́nh cộng đồng hơn nữa, phối hợp với doanh nghiệp để xử lý nợ xấu. Đồng thời, các ngân hàng nên sử dụng các công ty con của mình như công ty quản lý mua bán nợ, công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ để tham gia chủ động vào tiến trình chứng khoán hóa.

Báo in Tạp chí TCDN Tháng 11/2018
Bạn đang đọc bài viết DATC: Tăng cạnh tranh, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận