Điều chỉnh chính sách để siết chặt quản lý nhà đất công

23/05/2019, 11:29

TCDN - Việc sắp xếp, quản lý nhà, đất công đã hiệu quả rõ nét hơn từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn ra đời. Tuy nhiên, không có gì “hoàn hảo” khi thực tế “muôn hình vạn trạng”.


Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 167 đang được Bộ Tài chính xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Khung pháp lý quan trọng

Để triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, thay cho Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 167.

Nhìn lại hơn 1 năm thực hiện các quy định trên, Bộ Tài chính nhận định: Nghị định số 167 là khung pháp lý quan trọng để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, thực hiện sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng nhà, đất hướng đến mục tiêu kỷ cương, tiết kiệm và đem lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp cũng như các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trực tiếp sử dụng nhà, đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê đã có chuyển biến tích cực, rõ nét.

Việc chuẩn hóa các quy định pháp luật cũng giúp cho trình tự, thủ tục thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, rõ ràng, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành cũng như các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trực tiếp sử dụng nhà, đất đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong quá trình sắp xếp; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật. Nguyên tắc và hình thức xử lý nhà, đất quy định tại Nghị định số 167 đã bảo đảm bao quát, điều chỉnh phù hợp các tình huống phát sinh trên thực tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, với vị trí “nhạy cảm” của tài sản công, đặc biệt là nhà, đất, việc phát sinh những vấn đề chưa cụ thể dẫn đến cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế là không thể tránh khỏi. Từ những kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương; từ những khảo sát, nắm bắt thực tế, Bộ Tài chính đang định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167.

Chặt chẽ, cụ thể hơn

Chia sẻ về định hướng nói trên, ông Nguyễn Tân Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết: “Chúng tôi dự kiến quy định rõ hơn về phạm vi áp dụng. Cụ thể, tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định số 167 quy định loại trừ “nhà, đất của công ty cổ phần được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa” không thực hiện sắp xếp lại là chưa phù hợp vì các cơ sở nhà, đất là tài sản của các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nên cần bỏ quy định”. Ông Thịnh cho biết thêm, trên thực tế, ngoài “nhà, đất không phải của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp” còn có nhiều loại nhà, đất cần loại ra khỏi phạm vi áp dụng do việc quản lý, sử dụng đã được điều chỉnh cụ thể tại các pháp luật khác như đất thuộc trách nhiệm quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; đất, nhà, công trình là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; đất, nhà, công trình là tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển; nhà, đất là tài sản bảo đảm xử lý nợ của các tổ chức tín dụng đang trong quá trình xử lý nợ,... Tất cả những loạt tài sản đó đều cần có quy định loại trừ ra khỏi phạm vi phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 167.

Một nội dung quan trọng nữa là về trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và việc hạch toán, thanh toán các chi phí có liên quan khi thực hiện các quyết định xử lý nhà, đất theo các hình thức: Thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý. Theo đại diện Cục Quản lý công sản, để thống nhất thực hiện và phù hợp với pháp luật đất đai, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ quy định đối với trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai. Mặt khác, khi thực hiện quyết định xử lý nhà, đất theo các hình thức thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng nhà, đất sẽ phải điều chỉnh giảm tài sản, giá trị tài sản trên sổ kế toán. Tuy nhiên, tại Nghị định chưa có quy định cụ thể việc hạch toán trên sổ kế toán. Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ bổ sung một khoản quy định về các nội dung này.

Ngoài ra, dự thảo của Bộ Tài chính còn đưa ra một số sửa đổi về thẩm quyền xử lý nhà, đất theo hình thức thu hồi, điều chuyển, bán nhà, đất của tổ chức chính trị - xã hội và việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất tại tổ chức chính trị - xã hội; quy định rõ về đối tượng là doanh nghiệp thực hiện sắp xếp nhà, đất gồm công ty mẹ và công ty thành viên mà công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung một số quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất,...

Đưa ra những ý kiến đóng góp vào việc sửa Nghị định 167, Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy) cho rằng, Bộ Tài chính cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung về câu, chữ tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP còn thiếu, chưa rõ nghĩa để đảm bảo thống nhất, dễ hiểu trong quá trình thực hiện. Vị này ví dụ quy định việc thu hồi nhà, đất được áp dụng trong trường hợp chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định. Trong thực tiễn có thể xảy ra trường hợp cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm nói trên nhưng chỉ có thể thu hồi nếu các bên liên quan chưa khởi kiện ra tòa. Nếu đã khởi kiện, quyền giải quyết lúc này thuộc về tòa án. Vì vậy, quy định này cần thiết phải được loại trừ trường hợp vụ việc đã được tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý.

Một ví dụ khác là việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định vào ngân sách... Theo Luật sư Hà Huy Từ, vấn đề cần làm rõ ở đây là “số tiền thu được” tại nội dung này được hiểu như thế nào. Trong thực tế, có nhiều trường hợp các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết ghi số tiền cho thuê ở mức thấp nhưng giao dịch ngầm với nhau ở mức cao gấp nhiều lần và số tiền này không được thể hiện trong báo cáo tài chính, trong chứng từ kế toán mà “chảy” vào “túi riêng”. Để hạn chế và chấm dứt tình trạng “giao dịch ngầm” trục lợi từ nhà, đất là tài sản công, cần sửa nội dung nói trên theo hướng mở rộng nội hàm khái niệm “số tiền thu được” hoặc dùng khái niệm khác.

Theo Báo Hải quan

Bạn đang đọc bài viết Điều chỉnh chính sách để siết chặt quản lý nhà đất công tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận