DNNN đầu tư ra nước ngoài: Không thể lạc quan!

02/05/2019, 09:00

TCDN -

Về việc đầu tư ra nước ngoài của DNNN, có ý kiến cho rằng đó là chuyện đương nhiên phải làm song cũng có lo ngại mất vốn.

Tiếp tục cho ý kiến về việc đầu tư ra nước ngoài của DNNN, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen tỏ ra không mấy lạc quan và cho rằng cần hết sức thận trọng khi khả năng thắng là rất thấp.

Lý giải cho nhận định của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho biết, ngay ở trong nước, với lợi thế sân nhà, doanh nghiệp trong nước còn đang hụt hơi khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, nếu giờ đầu tư ra nước ngoài thì rủi ro rất nhiều, đặc biệt là nguy cơ mất vốn hiển hiện rõ.

"DNNN của Việt Nam có thể hy vọng khi hợp đầu tư ở một vài nước kém phát triển thì dù vậy cũng rất khó. Ở các nước đó cũng có nhiều doanh nghiệp trên thế giới nhảy vào, không chỉ có doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNN nói riêng chưa vội ra nước ngoài, hãy tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên chính sân nhà, thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Phải tính toán hết sức cẩn thận bởi nếu bây giờ đưa một lượng vốn khổng lồ ra nước ngoài mà kiểm soát không nổi, kém hiệu quả thì sẽ gây hại cho nền kinh tế. Chúng ta đã có nhiều bài học mà Dự án tỷ USD đầu tư khai thác mỏ lô Junin 2 tại Venezuela là một bài học đau xót", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi lưu ý.

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cũng nhắc đến trường hợp của Trung Quốc, sở dĩ các tập đoàn của nước ngoài ra nước ngoài đầu tư được là vì họ có thế mạnh của mình, được sự hỗ trợ của chính phủ ở phía sau, có trình độ công nghệ, trình độ sản xuất, kinh doanh hơn hẳn Việt Nam.

"Việt Nam còn lâu mới được như vậy. Không phải thấy nước khác làm được mà ta bắt chước được ngay. Phải nhìn lại mình, biết mình ở đâu và mình là ai", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Về lâu dài, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi khẳng định, động lực của nền kinh tế vẫn là doanh nghiệp tư nhân, phải thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, thay đổi mô hình quản lý, động lực làm việc thực sự của người lao động và người quản lý, có như vậy mới phát triển được.

DNNN dau tu ra nuoc ngoai: Khong the lac quan!
Một dự án đầu tư khai thác dầu khí của PVEP tại Peru. Ảnh: PVEP

Chia sẻ quan điểm với ông Ngãi khi khẳng định doanh nghiệp tư nhân giữ trọng trách phát triển kinh tế quốc gia, song PGS.TS Đinh Trọng Thịnh có cái nhìn lạc quan hơn về việc đưa DNNN đầu tư ra nước ngoài.

Ông cho biết, bất kỳ quốc gia nào khi có thặng dư thương mại lớn, tích lũy lớn đều nghĩ đến chuyện đầu tư ra nước ngoài để phát huy hiệu quả đồng vốn, thay đổi công nghệ nền sản xuất, nâng cao năng suất...

Trong khi đó, Việt Nam chưa phải là quốc gia phát triển, cũng chưa có dự trữ ngoại hối lớn, đặc biệt thặng dư sản xuất không cao, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào FDI, do đó nhu cầu đầu tư ra nước ngoài không cấp thiết như Trung Quốc hay các quốc gia khác.

"Đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ là nhu cầu lớn của doanh nghiệp Việt Nam vì năng suất lao động trong thời gian qua tăng trưởng thấp.

Dù công nghệ của Việt Nam không cao, nền sản xuất vẫn đang cần vốn và cần thu hút đầu tư nước ngoài nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những khe hẹp để đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, chẳng hạn thông qua các sản phẩm mang tính đặc trưng của Việt Nam, sản xuất thủ công", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Cho rằng DNNN nên đi đầu trong việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vì có vốn, công nghệ kỹ thuật cao, tiềm năng về thăm dò, khảo sát thị trường, song ông Thịnh cũng lưu ý, trước nay, việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNN gần như phải tự "bơi", làm theo kiểu giật gấu vá vai mà thiếu một kế hoạch, chiến lược lâu dài.

Chính vì thế, doanh nghiệp không nắm được các quy định, thông lệ quốc tế, các yêu cầu phải đáp ứng, ngay cả khâu thẩm định người quyết định, người ra kế hoạch, giám sát, kiểm tra các báo cáo định kỳ... cũng không đến nơi đến chốn, hệ quả là việc đầu tư ra nước ngoài bị buông lỏng.

"Ở trong nước đã quản lý không đến nơi đến chốn, ra nước ngoài càng cách biệt, càng khó khăn và càng dễ mất vốn", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Vì vậy, để doanh nghiệp Việt Nam nói chung, DNNN nói riêng đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phải có sự thay đổi về thể chế pháp lý, cơ chế quản lý các doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài; thay đổi từ quy trình thẩm định, xét duyệt cho đến việc đồng ý đem vốn ra nước ngoài cũng như các hoạt động có liên quan đến đầu tư.

"Vốn là vốn của nền kinh tế, nếu đầu tư hiệu quả thì cả nền kinh tế được. Sai lầm trước nay là người ta cứ nghĩ đó là vốn doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tự lo.

Tư duy ấy, cộng với cơ chế quản lý ở DNNN chưa đến nơi đến chốn khiến đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả, bị mất vốn, nhiều cán bộ quản lý, sếp lớn của DNNN sa vào tù tội, cuối cùng ta vừa mất việc, vừa mất của, vừa mất cán bộ", ông Thịnh nói.
Theo Đất Việt

Bạn đang đọc bài viết DNNN đầu tư ra nước ngoài: Không thể lạc quan! tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận