Đối đầu thương mại, Mỹ mua hàng nhiều hơn từ Trung Quốc

09/11/2018, 02:14

TCDN -

Mỹ gây chiến vì cán cân thương mại bất cân bằng với Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn tăng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo số liệu từ Hải quan Mỹ được Wall Street Journal công bố ngày 8/11, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 10/2018.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đạt 42,7 tỷ USD, tăng 13% so với tháng trước.

Doi dau thuong mai, My mua hang nhieu hon tu Trung Quoc 
Advertisement
Mỹ đang mua hàng nhiều hơn từ Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Trung Quốc từ thị trường Mỹ đạt 34,1 tỷ USD, tăng 8,5%.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng giảm nhẹ xuống mức 31,8 tỷ USD so với mức kỷ lục 34,1 tỷ USD trong tháng 9/2018 một phần là do các thuế quan hàng hóa giữa hai nước.

Giới phân tích nhận định xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tiếp tục tăng bất chấp việc chính quyền Tổng thống Trump áp đặt các biện pháp thuế quan là xuất phát từ việc các nhà xuất khẩu đang tìm cách đẩy nhanh các đơn hàng xuất sang Mỹ để tránh khả năng bị áp đặt vòng thuế nhập khẩu mới.

Bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn tư vấn tài chính ING nhận định, xu thế “chạy trước” này sẽ tiếp diễn đến hết năm 2018.

Lý do là giới kinh doanh mong chờ cuộc gặp dự kiến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tháng 11. Cuộc gặp đã được phát đi tín hiệu tích cực song giới quan sát lại cho rằng, khó có thể tạo ra kết quả đột phá.

Một trong những mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tiến hành cuộc chiến thương mại với Mỹ là xử lý vấn đề thâm hụt thương mại Mỹ- Trung. Tuy nhiên, có một nghịch lý là càng áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, tình trạng này càng gia tăng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không cần phải lo lắng về điều này.

Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng, và các nền kinh tế tăng trưởng thường có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn.

Cán cân này chỉ phản ánh một phần mối quan hệ kinh tế lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc quá để tâm tới nó sẽ khiến người ta quên mất những yếu tố quan trọng nhất là sức cạnh tranh của các tập đoàn và lợi nhuận mà họ có được.

Với các thương hiệu đầy hấp dẫn và có tính chuyên môn cao, các doanh nghiệp Mỹ thường đầu tư và sản xuất ngay tại thị trường nước ngoài thay vì xuất khẩu sản phẩm từ Mỹ.

Trái lại, các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường đang nổi khác, lại thiếu sức mạnh và uy tín thương hiệu cũng như kinh nghiệm để vận hành ở nước ngoài. Vì vậy họ tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ trong nước để sản xuất sản phẩm và xuất khẩu ra bên ngoài.

Điều này được phản ánh qua sự chênh lệch trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ năm 1990, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư nhiều gấp đôi so với các đối thủ từ Trung Quốc. Phần lớn các khoản đầu tư của Trung Quốc mới chỉ phát triển bùng nổ trong vòng 2 năm trở lại đây.

Như vậy, thâm hụt thương mại không phải là sự yếu thế của Mỹ mà thậm chí còn chứng tỏ sức mạnh của các tập đoàn Mỹ so với các đối thủ Trung Quốc.

Các cuộc khảo sát được tổ chức cho thấy, đa số các công ty Trung Quốc đang xem xét chuyển các dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc nhưng chỉ cực ít trong số đó cho rằng họ sẽ trở về đầu tư tại Mỹ.

Một phần lý do được cho là các doanh nghiệp Mỹ tồn tại ở Trung Quốc phục vụ người dùng ở Trung Quốc và thu về lợi nhuận.

Họ không có ý định từ bỏ thương hiệu vốn là thế mạnh của họ ở thị trường nội địa Trung Quốc để trở về Mỹ với sự cạnh tranh cao hơn.

Nói tóm lại, động thái tiến hành cuộc chiến tranh thương mại chỉ mang lại thiệt hại cho cả hai bên.

Khoảng 85% các công ty Mỹ cho biết họ đã phải chịu thuế ở cả hai đầu, trong khi khoảng 70% các đối tác Trung Quốc báo cáo về tình trạng tương tự. Nhiều công ty nước ngoài khác cũng chịu ảnh hưởng.

Theo khảo sát, một phần ba các công ty ước tính tranh chấp thương mại khiến doanh thu của họ sụt giảm từ 1 triệu đến 50 triệu USD, trong khi gần 1/10 các nhà sản xuất báo cáo tổn thất kinh doanh là từ 250 triệu USD trở lên.

Gần một nửa các công ty được khảo sát cũng cho biết đã có sự gia tăng trong các rào cản phi thuế quan, bao gồm tình trạng quan liêu gia tăng và thông quan chậm hơn.

Hồi tháng 10/2018, một liên minh các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Liên minh này phát động một chiến dịch quảng cáo nhằm thông báo tới cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ về khoản thiệt hại trị giá 1,4 tỉ USD/tháng mà các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu do các biện pháp thuế quan.

“Những khoản thuế quan này là các khoản thuế đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, không phải do các nước khác trả mà do chính Mỹ phải trả” - phát ngôn viên của liên minh này cho hay.

Doi dau thuong mai, My mua hang nhieu hon tu Trung Quoc 
Tổng thống Trump muốn kéo dài chiến tranh thương mại.

Bất chấp những thiệt hại trước mắt, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/10 cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều biện pháp nữa mà ông có thể áp dụng để làm hại kinh tế Trung Quốc nghiêm trọng hơn. Tuyên bố này cho thấy không hề có dấu hiệu Mỹ sẽ rút lui khỏi cuộc chiến thương mại đang leo thang với Bắc Kinh.

Ông Trump lưu ý rằng người Trung Quốc muốn đàm phán nhưng ông không tin Bắc Kinh đã sẵn sàng. Ông Trump đã chỉ trích các tổng thống Mỹ trước đây đã cho phép Trung Quốc tiếp tục các thông lệ thương mại không công bằng và nhấn mạnh ông phải nói với Bắc Kinh rằng: "Điều đó đã kết thúc rồi”.
Theo Đất Việt

Bạn đang đọc bài viết Đối đầu thương mại, Mỹ mua hàng nhiều hơn từ Trung Quốc tại chuyên mục Vấn đề hội nhập của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận