Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

24/05/2019, 11:12

TCDN - Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đáp ứng điều kiện thực tiễn mới của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển; hạn chế bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế thời gian qua.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCO về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

thue phu yen

Cán bộ, công chức thuế hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế. Ảnh: T.N

PV: Ông nhận định thế nào về sự cần thiết của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hiện đang trình Quốc hội xem xét thông qua, tại kỳ họp thứ 7 lần này?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Việc trình dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là cần thiết, kịp thời đáp ứng điều kiện thực tiễn mới của nền kinh tế và các điều kiện khác liên quan trực tiếp đến quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế thời gian qua.

Các nội dung sửa đổi là phù hợp với điều kiện thực tiễn quản lý thuế và có tính khả thi; phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về các mục tiêu và chương trình xây dựng pháp luật; góp phần tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi đi đôi với việc đảm bảo quản lý thuế chặt chẽ, ngăn ngừa và phòng chống gian lận thuế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, của công nghệ thông tin và mạng internet.

PV: Một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy định xóa nợ thuế (tại Điều 87) của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, một số đại biểu cho rằng cần thành lập hội đồng xem xét xóa nợ thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Tại dự thảo luật đã quy định rõ những trường hợp cụ thể được xóa nợ thuế và thẩm quyền xóa nợ thuế. Điều này có nghĩa là, để xóa nợ thuế thì người có thẩm quyền xóa nợ phải xem xét đầy đủ hồ sơ xóa nợ thuế để xác định chính xác xem có đúng đối tượng được xóa nợ không để ra quyết định xóa nợ và chịu trách nhiệm về quyết định xóa nợ của mình.

Để phục vụ cho việc ra quyết định xóa nợ của người có thẩm quyền (Bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) có bộ máy giúp việc để tổng hợp và giải trình. Do vậy, điều này hoàn toàn có thể đảm bảo việc xóa nợ chặt chẽ và đúng luật.

Vì vậy, việc thành lập hội đồng xem xét xóa nợ thuế sẽ tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết và tốn kém thời gian, công sức, gây tăng chi phí quản lý và chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính. Thêm vào đó, nếu sử dụng cơ chế hội đồng như vậy thì sẽ khó xác định rõ trách nhiệm cá nhân khi có sai sót về quyết định xóa nợ.

PV: Điều 104 dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định đại lý thuế được cung cấp dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ. Dự thảo này cũng gây ra một số tranh cãi. Có một số ý kiến đồng tình vì cho rằng như vậy là cần thiết và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN siêu nhỏ. Có ý kiến cho rằng không nên quy định như vậy, vì có thể làm giảm chất lượng dịch vụ kế toán. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Nên giữ như trong dự thảo luật (Điều 104), tức là đại lý thuế có quyền và chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ. Lý do của đề xuất này như sau:

Một là, thực tế hiện nay và trong dự thảo luật yêu cầu người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế phải thi 2 môn là pháp luật thuế và kế toán. Điều này có nghĩa là người được cấp chứng chỉ hoàn toàn có thể đảm bảo làm được dịch vụ kế toán.

anh truong

PGS.TS Lê Xuân Trường

Hai là, một số ý kiến cho rằng, hiện nay để được hành nghề dịch vụ kế toán thì người hành nghề phải thi 4 môn: pháp luật thuế; kế toán; tài chính DN; pháp luật kinh tế. Như vậy, nếu để đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ thì không đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Về vấn đề này, tôi cho rằng, DN siêu nhỏ không có yêu cầu cao về các vấn đề phân tích tài chính và các vấn đề pháp lý. Trong khi đó, để được dự thi cấp chứng chỉ đại lý thuế, dự thảo luật đã yêu cầu người dự thi phải có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán. Trong chương trình đào tạo của các trường đại học, học viện hiện nay về các chuyên ngành nói trên, đều có đào tạo môn học pháp luật kinh tế và tài chính DN. Như vậy, người dự thi hoàn toàn có hiểu biết pháp luật và tài chính DN để thực hiện dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ.

Ba là, các DN siêu nhỏ có nhiều bất lợi trong kinh doanh, không có khả năng tài chính để tự thuê kế toán viên mà cần sử dụng dịch vụ đại lý thuế và dịch vụ kế toán chuyên nghiệp để tiết kiệm chi phí. Nếu không cho đại lý thuế được cung cấp dịch vụ kế toán thì các DN siêu nhỏ lại vừa phải bỏ chi phí thuê nhân viên kế toán hoặc thuê dịch vụ kế toán, vừa phải thuê đại lý thuế làm dịch vụ khai thuế.

Như vậy, không tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và giúp DN siêu nhỏ tuân thủ tốt pháp luật thuế. Việc để đại lý thuế được cung cấp dịch vụ kế toán sẽ hỗ trợ DN siêu nhỏ tốt hơn, nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển DN, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi.

PV: Ông có góp ý gì thêm cho dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi)?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Tôi cho rằng dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý qua nhiều công đoạn đã đảm bảo bao quát tốt các mối quan hệ về quản lý thuế, nếu được thông qua sẽ tạo ra nền tảng pháp lý minh bạch, chặt chẽ để tổ chức thực hiện quản lý thuế. Tuy vậy, để nâng cao chất lượng của dự thảo luật, tôi có một số đề xuất như sau:

Nên bổ sung thêm nghĩa vụ “Cung cấp thông tin về giao dịch thanh toán của người nộp thuế (NNT) liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế khi thanh tra, kiểm tra thuế theo quy định pháp luật”. Quy định này để đảm bảo điều kiện cho cơ quan thuế đấu tranh chống gian lận thuế, đặc biệt là gian lận trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.

Nghĩa vụ này không mâu thuẫn với quyền giữ bí mật thông tin vì nó chỉ liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế. Đồng thời, không mâu thuẫn với Luật Các tổ chức tín dụng vì luật này quy định ngân hàng thương mại phải giữ bí mật thông tin, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu quy định như tại Khoản 2 Điều 27 dự thảo hiện hành thì việc ngân hàng chỉ cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số của người nộp thuế là không đủ thông tin giúp cơ quan thuế chống gian lận thuế.

Tiếp theo, cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin và khấu trừ thuế của các tổ chức thanh toán điện tử khác ngoài ngân hàng thương mại. Lý do, trong nền kinh tế số hiện đại đã và sẽ xuất hiện nhiều tổ chức và hình thức thanh toán điện tử không qua ngân hàng thương mại. Nếu không có quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin và khấu trừ thuế của các đối tượng này sẽ có một khoảng trống pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới với đối tác cung cấp dịch vụ là các tổ chức, cá nhân nước ngoài./.

PV: Xin cảm ơn ông!


Theo Thời báo tài chính Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận