Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Quản lý chặt chẽ, chống thất thu thuế

24/05/2019, 02:02

TCDN - Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng, sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Tư vấn thuế

Cán bộ một đại lý thuế (bìa phải) đang tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế hoàn thiện hồ sơ quyết toán thuế năm 2018. Ảnh: N.M

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho rằng, đây là dự luật hoàn thiện nhất từ trước đến nay, đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, góp phần chống thất thu thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Ủng hộ đại lý thuế làm kế toán cho DN siêu nhỏ

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung những điều khoản liên quan đến trách nhiệm, sự chung tay vào cuộc cùng với ngành Tài chính của các bộ, ngành, UBND các cấp và các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT; thông qua đó giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý để thắt chặt quản lý thuế đối với hoạt động này.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, một trong những quy định mới rất quan trọng trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này là quy định đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ. Bà Cúc cho biết, hiện cả nước có khoảng 520.000 DN siêu nhỏ, những DN này có bộ máy kế toán rất đơn giản, thậm chí có DN không có người làm kế toán. Hơn nữa, hiện Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 132/2018/TT-BTC về chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ. Theo hướng dẫn của thông tư này, hệ thống kế toán rất đơn giản, chỉ có 7 tài khoản, thậm chí có một số trường hợp không cần phải lập báo cáo tài chính. Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với những DN siêu nhỏ là rất đơn giản.

Việc cho phép đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho DN không chỉ tiết kiệm chi phí chung cho xã hội, mà còn tiết kiệm chi phí cho cả cơ quan thuế. Bên cạnh đó còn nâng cao hiệu quả quản lý, giúp cho công tác quản lý thuế minh bạch, rõ ràng hơn, bởi các đại lý thuế có kỹ năng, trình độ chuyên môn, tránh rủi ro về thuế” - bà Cúc nói.

Cùng chung quan điểm với bà Cúc, PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho biết, khi lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo luật cũng có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân ông thì nên giữ như trong dự thảo luật (Điều 104). Thực tế hiện nay và trong dự thảo luật yêu cầu người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế phải thi 2 môn là pháp luật thuế và kế toán. Điều này có nghĩa là người được cấp chứng chỉ hoàn toàn có thể đảm bảo làm được dịch vụ kế toán.

Một lý do khác mà PGS. TS Lê Xuân Trường ủng hộ quy định đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán vì tạo điều kiện thuận lợi cho DN siêu nhỏ. Theo ông, các DN siêu nhỏ có nhiều bất lợi trong kinh doanh, không có khả năng tài chính để tự thuê kế toán viên, mà cần sử dụng dịch vụ đại lý thuế và dịch vụ kế toán chuyên nghiệp để tiết kiệm chi phí. Nếu không cho đại lý thuế được cung cấp dịch vụ kế toán thì các DN siêu nhỏ lại vừa phải bỏ chi phí thuê nhân viên kế toán hoặc thuê dịch vụ kế toán, vừa phải thuê đại lý thuế làm dịch vụ khai thuế. “Điều này không tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và giúp DN siêu nhỏ tuân thủ tốt pháp luật thuế. Việc để đại lý thuế được cung cấp dịch vụ kế toán sẽ hỗ trợ DN siêu nhỏ tốt hơn, nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển DN, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi” - PGT. TS Lê Xuân Trường nói.

Bổ sung quy định quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Ngoài việc bổ sung các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động quản lý thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT), chống chuyển giá, hóa đơn điện tử… Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật đã đảm bảo yêu cầu quản lý thuế hiện đại, góp phần chống thất thu thuế. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá cao những định hướng và thay đổi của ngành Thuế thời gian qua trong hoạt động quản lý nguồn thu, nhất là đối với lĩnh vực kinh doanh TMĐT. Ông Tuấn cho rằng, việc bổ sung quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các bộ, ngành trong việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là chính xác, đúng hướng và rất kịp thời trong bối cảnh hiện nay.

“Dự thảo luật có các quy định quản lý có tính bao trùm, khỏa lấp được những khoảng trống trong quản lý thuế từ trước đến nay; đồng thời, đáp ứng được các kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường TMĐT; vừa tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, vừa mở rộng cơ sở thu thuế và ngăn ngừa, phòng chống được các hành vi trốn thuế, gian lận thuế” - ông Tuấn nói.

Ông Hà Huy Tuấn cũng đánh giá cao dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung những điều khoản liên quan đến trách nhiệm, sự chung tay vào cuộc cùng với ngành Tài chính của các bộ, ngành, UBND các cấp và các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT; thông qua đó giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý để thắt chặt quản lý thuế đối với hoạt động này. Cụ thể, dự luật đã quy định phía Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp để phát triển thanh toán TMĐT, cung cấp thông tin tài khoản khách hàng; hướng dẫn các ngân hàng thương mại khấu trừ thay tổ chức kinh doanh số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước; xác định các giao dịch, nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT... “Quy định này rất cần thiết và hợp lý, bởi nếu chỉ mình ngành Thuế thì rất khó quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nếu không có sự phối hợp, tích cực trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan, nhất là ngân hàng” - ông Tuấn chia sẻ.

Nâng cao hiệu quả hội đồng tư vấn thuế xã, phường

Cùng với việc luật hóa các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng đề cập đến việc nâng cao vai trò của hội đồng tư vấn thuế (HĐTVT) xã, phường để chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, HĐTVT xã, phường là một yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và thu thuế đối với hộ cá nhân.

Ông Được cho biết, hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đóng vai trò quan trọng trong quá trình giám sát, thẩm tra tình hình thu, nộp thuế. Bởi lẽ hàng năm và định kỳ, HĐND phải thực hiện nhiệm vụ thông qua dự toán, quyết toán thu chi, ngân sách của địa phương, trong đó có các nguồn thu là thuế, phí, lệ phí. Đây là một nguồn thu không nhỏ đối với ngành Thuế nói chung và với mỗi địa phương nói riêng. Bên cạnh đó, HĐND còn giám sát các hoạt động thường xuyên và giám sát theo chuyên đề. Thông qua các chỉ tiêu thu nộp ngân sách của địa phương, HĐND đánh giá hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương. Do đó, nếu quy định bổ sung HĐND tham gia ngay vào quá trình tư vấn, giám sát và thẩm định, với vai trò của HĐTVT xã, phường, chắc chắn sẽ đem lại nhiều hiệu quả cho công tác thu nộp thuế một cách dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan và hiệu quả, tránh các tình trạng tiêu cực từ hoạt động này.

“Cá nhân tôi cho rằng, cần phải đưa quy định này vào trong các luật về thuế và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thấy được quyền và trách nhiệm của HĐTVT xã, phường trong việc thu thuế khoán, tránh đùn đẩy trách nhiệm và tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Nếu quy định HĐND tham gia vào HĐTVT xã, phường thì nên giao cho ban kinh tế - xã hội của HĐND xã, phường đại diện cho HĐND tham gia với tư cách tư vấn và giám sát” - ông Được đề xuất./.

* Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam:

Đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán giúp DN siêu nhỏ phát triển

Hiện nay chúng ta mới có 105 DN cung cấp về dịch vụ kế toán, 555 DN đủ điều kiện hành nghề đại lý thuế, tập trung nhiều nhất ở các thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mới chỉ có 41 tỉnh, thành phố có đại lý thuế, còn lại 22 địa phương chưa có đại lý thuế như: Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Phú Yên, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu…

Do đó, để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN siêu nhỏ phát triển, ngoài việc cho phép đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán, thì cần tiếp tục phát triển các đại lý thuế tại các tỉnh chưa có nói trên và tăng thêm số lượng các công ty làm dịch vụ kế toán, đại lý thuế ở các tỉnh đã có đại lý thuế. Các DN làm dịch vụ kế toán hiện nay mới cung cấp cho 5.000 DN. Trong khi đó, hiện có 520.000 DN siêu nhỏ. Nếu cả 555 đại lý thuế cùng làm nhiệm vụ kế toán thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Nói thế để thấy rằng, việc bổ sung quy định đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.


* Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

Luật hóa việc phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý thuế là cần thiết

TMĐT là loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ nên rất khó kiểm soát, khó xác định địa chỉ, nguồn thu, người nộp thuế, nắm bắt các giao dịch… Đây là yếu tố khó khăn nhất đối với quản lý thuế.

Điều đáng nói nữa là hiện nay chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng liên quan, điển hình như ngân hàng. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, để quản lý được luồng tiền, cơ quan thuế rất cần nắm bắt các giao dịch ngân hàng của DN, cá nhân. Song không phải trường hợp nào ngân hàng cũng cung cấp thông tin này, thường thì hiện tại phía ngân hàng chỉ cung cấp trường hợp nào vi phạm, trốn lậu thuế đã được xác định rõ.

Bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh TMĐT đòi hỏi cần phải có trình độ chuyên môn rất cao về tin học, ứng dụng, phần mềm, trình độ kết nối dữ liệu giao dịch… trong khi cán bộ ngành Thuế của chúng ta đa số chỉ được đào tạo và thực hiện công việc bằng phương pháp truyền thống. Để thay đổi cách làm, cần có thời gian tuyên truyền, đào tạo nhân lực theo phương pháp hiện đại. Mặt khác, hệ thống pháp luật của nước ta về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT chưa bắt kịp với sự phát triển của TMĐT, chưa đồng bộ và hoàn thiện; ý thức tuân thủ pháp luật thuế của nhiều cá nhân, DN kinh doanh TMĐT chưa cao, chưa có sự tự giác chấp hành… Do đó, để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, chúng ta cần có quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các bộ, ngành trong việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào luật.

* PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính):

Nên bổ sung nghĩa vụ cung cấp thông tin về giao dịch thanh toán

Tôi đề nghị nên bổ sung thêm nghĩa vụ “Cung cấp thông tin về giao dịch thanh toán của người nộp thuế liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế, khi thanh tra, kiểm tra thuế theo quy định pháp luật”. Quy định như vậy để đảm bảo điều kiện cho cơ quan thuế đấu tranh chống gian lận thuế, đặc biệt là gian lận trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT.

Nghĩa vụ này không mâu thuẫn với quyền giữ bí mật thông tin, vì nó chỉ liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế. Đồng thời, không mâu thuẫn với Luật Các tổ chức tín dụng, vì luật này quy định ngân hàng thương mại phải giữ bí mật thông tin, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu quy định như tại Khoản 2, Điều 27 dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi thì việc ngân hàng chỉ cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số của người nộp thuế là không đủ thông tin giúp cơ quan thuế chống gian lận thuế.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin và khấu trừ thuế của các tổ chức thanh toán điện tử khác ngoài ngân hàng thương mại, vì trong nền kinh tế số hiện đại đã và sẽ xuất hiện nhiều tổ chức và hình thức thanh toán điện tử không qua ngân hàng thương mại. Nếu không có quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin và khấu trừ thuế của các đối tượng này sẽ có một khoảng trống pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, đặc biệt là kinh doanh TMĐT xuyên biên giới với đối tác cung cấp dịch vụ là các tổ chức, cá nhân nước ngoài.


* Ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Trọng Tín:

Nâng cao vai trò HĐTVT xã, phường để chống thất thu

Tôi cho rằng HĐTVT xã, phường là một yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và thu thuế đối với hộ cá nhân. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý tốt thuế khoán đối với hộ kinh doanh, thì chúng ta cần phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với việc sử dụng hóa đơn điện tử, qua phần mềm bán hàng với những thao tác đơn giản, thuận tiện để bất kỳ người dân, hộ kinh doanh nào cũng có thể sử dụng được bằng chiếc điện thoại đơn thuần. Chính sách thuế cũng phải tương đồng giữa nhóm hộ kinh doanh nộp thuế khoán và doanh nghiệp, tránh tình trạng lạm dụng để lách luật khi người nộp thuế chỉ muốn dừng lại ở hộ kinh doanh mà không muốn mở rộng quy mô, chuyên môn hóa quá trình kinh doanh một cách công khai, minh bạch và bài bản.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế có thể áp dụng các biện pháp xử phạt và khen thưởng thông qua việc giám sát của người dân như: tăng các mức phạt nếu vi phạm gian lận về thuế và đề cao, tặng thưởng xứng đáng cho những cá nhân tích cực tố cáo phát hiện các gian lận về thuế. Hoặc, bên cạnh việc niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường và trang thông tin của ngành Thuế như hiện nay, thì nên quy định thêm việc niêm yết mức doanh thu và mức thuế khoán tại cơ sở kinh doanh, nơi mà người tiêu dùng có thể dễ nhìn thấy để cùng với các cấp chính quyền giám sát thu nộp thuế… Tôi tin tưởng rằng, nếu làm được như vậy, phần nào có thể nâng cao được hiệu quả của công tác thu nộp thuế khoán.

Theo Thời báo tài chính Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Quản lý chặt chẽ, chống thất thu thuế tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận