Dự thảo nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

03/11/2016, 09:40

TCDN - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ này.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây: Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về quản lý ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp, lập, trình Chính phủ kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm, bao gồm cả dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi dự trữ quốc gia, chi trả nợ lãi, chi viện trợ; điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương trong trường hợp cần thiết.

Về quản lý tài chính các tổ chức tài chính và dịch vụ tài chính, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách huy động vốn trên thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, chính sách huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trên thị trường tài chính; chính sách liên kết giữa thị trường tài chính và thị trường tiền tệ; xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với tổ chức định mức tín nhiệm, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tự nguyện và các trung gian tài chính hoạt động trên thị trường tài chính.

Về hải quan, Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

Cơ cấu tổ chức

Dự thảo nêu rõ cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm: 1. Vụ Ngân sách nhà nước; 2. Vụ Đầu tư; 3. Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I); 4. Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; 5. Vụ Chính sách thuế; 6. Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; 7. Vụ Hợp tác quốc tế; 8. Vụ Pháp chế; 9. Vụ Tổ chức cán bộ; 10. Vụ Thi đua - Khen thưởng; 11. Thanh tra; 12. Văn phòng (có đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh); 13. Cục Quản lý công sản; 14. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại; 15. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; 16. Cục Quản lý giá; 17. Cục Tin học và Thống kê tài chính; 18. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; 19. Cục Kế hoạch - Tài chính; 20. Tổng cục Thuế; 21. Kho bạc Nhà nước; 22. Tổng cục Hải quan; 23. Tổng cục Dự trữ Nhà nước; 24. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; 25. Tổng cục Quản lý, giám sát Tài chính doanh nghiệp; 26. Viện Chiến lược và chính sách tài chính; 27. Thời báo Tài chính Việt Nam; 28. Tạp chí Tài chính; 29. Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

Các tổ chức quy định từ Khoản 1 đến Khoản 25 là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ Khoản 26 đến Khoản 29 là các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc Bộ.

Các Vụ được tổ chức phòng và số lượng phòng cụ thể của từng Vụ như sau: Vụ Ngân sách nhà nước có 5 phòng, Vụ Chính sách thuế có 5 phòng; Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng, Vụ Đầu tư có 6 phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng, Vụ Pháp chế có 5 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.

Các Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ được tổ chức phòng và số lượng phòng cụ thể của từng đơn vị như sau: Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại có 9 phòng, Cục Quản lý giá có 6 phòng, Cục Quản lý công sản có 5 phòng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có 7 phòng, Cục Tin học và Thống kê tài chính có 8 phòng, Cục Kế hoạch - Tài chính có 10 phòng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán có 5 phòng, Thanh tra Bộ có 11 phòng, Văn phòng Bộ có 6 phòng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Quản lý, giám sát Tài chính doanh nghiệp và danh sách các tổ chức sự nghiệp khác thuộc Bộ./.
Theo Chinhphu.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính tại chuyên mục Dự thảo cơ chế chính sách của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận