Giải pháp xử lý hiệu quả phế liệu tồn cảng

18/02/2019, 04:15

TCDN - Ngày 15/2/2019 là thời hạn cuối để Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) ban hành thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư 08 và Thông tư 09, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Xử lý phế liệu tại cảng
Xử lý phế liệu tồn cảng sẽ hiệu quả hơn khi những nội dung bất cập tại Thông tư 08 và Thông tư 09 của Bộ TN&MT được bãi bỏ.
Khi những bất cập trên được bãi bỏ, việc xử lý container phế liệu tồn cảng sẽ đơn giản và hiệu quả.

Kiến nghị từ thực tế của Bình Dương

Tình trạng container tồn cảng ngày càng nhiều đang trở thành vấn đề nóng, bởi không những gây tốn kém cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn cơ quan hải quan, mà còn tác động tiêu cực đến cả xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua, với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT (Thông tư 08) và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT (Thông tư 09), nhằm kiểm soát và thông quan các loại phế liệu này. Trong đó có quy định, cán bộ Sở TNMT các địa phương phải phối hợp với các cơ quan hữu quan để ra thông báo lô hàng có đạt chất lượng nhập khẩu hay không, mà cụ thể là phải kiểm tra 100% bằng mắt thường. Tuy nhiên, do ngành TNMT không đủ nhân lực để thực hiện, trong khi kho bãi nhỏ không thể sắp xếp container để kiểm tra cùng lúc… khiến DN phải chờ đợi để được kiểm tra, dẫn đến tình trạng container phế liệu tồn cảng ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, trước tình hình trên, Hải quan Bình Dương đã làm việc với Sở TNMT Bình Dương, sau đó tham mưu UBND tỉnh kiến nghị: Ngành TNMT chỉ nên kiểm tra xác suất, căn cứ theo giám định thư mà không phải đi kiểm tra thực tế 100%, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN địa phương trong việc thiếu hụt nguyên liệu phục vụ sản xuất. UBND tỉnh đã chấp thuận thực hiện theo kiến nghị này nhằm tạo điều kiện tốt nhất để DN thông quan các lô hàng phế liệu dùng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất.

“Các công ty có nhu cầu sử dụng phế liệu lớn trên địa bàn như Giấy Đồng Tiến, Giấy Vinakraft... đang rất cần loại hàng hóa này để phục vụ sản xuất. Một khi chậm thông quan nguyên liệu, ngoài việc ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, các DN còn bị khó khăn trong vốn lưu động bởi chi phí lưu kho cao như Giấy Vinakraft cho biết chi phí lên đến 36 tỷ đồng, kể từ khi Thông tư 08 và Thông 09 ra đời” - ông Nguyễn Trường Giang nêu khó khăn của DN trên địa bàn.

Được biết, trước khi thực hiện, Bình Dương có 1.519 container tồn cảng. Đây là lượng hàng của 16 DN làm thủ tục nhập khẩu phế liệu giấy để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó độ rủi ro hầu như là không có.

Bỏ quy định bất cập

Theo ông Tống Quốc Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương, việc UBND tỉnh cho phép thực hiện cách làm mới tính đến ngày 15/2 mới chỉ hơn 10 ngày nhưng đã xử lý được 550 container phế liệu giấy tồn cảng. Nếu tiếp tục thực hiện theo hướng này thì chỉ trong vòng 10 đến 15 ngày nữa sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng container tồn cảng tại Bình Dương.

Liên quan đến quản lý phế liệu nhập khẩu và tháo gỡ khó khăn cho DN, trong văn bản gửi các cơ quan liên quan vào đầu tháng 2/2019, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất thay đổi phương thức kiểm tra chất lượng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng: Đơn vị giám định độc lập được Bộ TNMT chỉ định tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất và có sự tham gia của cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu. Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của lô hàng phế liệu nhập khẩu. Căn cứ vào kết quả kiểm tra của đơn vị giám định, cơ quan hải quan thực hiện việc thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Văn bản cũng chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ TNMT ban hành thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư 08 và Thông tư 09 về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, hoàn thành trước 15/2/2019.

“Việc loại bỏ thủ tục thừa và bất cập của hai thông tư trên (PV: cán bộ TNMT địa phương giám sát 100% bằng mắt thường việc kiểm tra, giám định hàng phế liệu, sau đó thông báo để cơ quan hải quan cho phép thông quan) sẽ góp phần giúp giải phóng nhanh lượng container phế liệu được DN nhập khẩu làm nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất” – ông Tống Quốc Thịnh nói.

Theo Thời báo tài chính Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp xử lý hiệu quả phế liệu tồn cảng tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận