Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn

29/07/2016, 05:11

TCDN - Đây là nội dung chính của hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước” do Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm Thông tin Kinh tế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 29/7/2016.


Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Chính phủ hiện rất quan tâm tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề trọng tâm là tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể: Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra mắt Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) vào tháng 4/2016, với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; World Bank (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tham gia hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua các dự án.
Tuy nhiên, thực tế việc tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn có lãi suất ưu đãi của doanh nghiệp vẫn đang là vấn đề “đau đầu” của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội nhiều hơn đi kèm với thách thức lớn hơn. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp, nhưng có tới 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn “không thể tiếp cận” với nguồn vốn của ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết “rất khó tiếp cận” nguồn vốn này do không có tài sản thế chấp. Do vậy, các quỹ hỗ trợ vốn của Nhà nước, các ngân hàng thương mại như Vietinbank, Vietcombank cần có những biện pháp hữu hiệu để giải bài toán vốn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại không giống các Quỹ hỗ trợ vốn của Nhà nước. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, đã là doanh nghiệp thì phải phục vụ tốt khách hàng, phải đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục nhưng đảm bảo chặt chẽ. Hiện Nhà nước đã có Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng nguồn lực của Qũy này còn hạn chế, các chính sách cho vay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để thông thoáng, phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp hơn. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp cận các quỹ quốc tế hoặc các tổ chức cho vay của nước ngoài có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp dân doanh để đa dạng các nguồn vốn tiếp cận cho doanh nghiệp.
Tham luận gửi tới hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Đông- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Từ năm 2014 đến nay, dư nợ tín dụng của doanh nghiệp không ngừng tăng trưởng và hiện đang duy trì ở mức khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Tính đến thời điểm 31/5/2016, dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD đối với doanh nghiệp tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng dư nợ tín dụng lớn nhất (75%) và tốc độ tăng trưởng dư nợ nhanh nhất (18%). Tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp có xu hướng giảm, năm 2015 giảm khoảng 14% so với năm 2014.

Đến hết quý 2/2016 đã có trên 540 Hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 50.000 doanh nghiệp và hơn 160.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình..) trong việc vay vốn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ, cho vay mới... Tổng số tiền được hỗ trợ theo Chương trình từ khi triển khai đến 6/2016 đạt 880.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay của Chương trình phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1% so với trước đây. Gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, … với dư nợ khoảng 80.000 tỷ đồng.
Ông Đông cũng cho biết thêm: NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố để triển khai, nhân rộng chương trình bình ổn thị trường trên toàn quốc. Theo đó, các TCTD sẽ tiếp cận, tạo điều kiện về vốn, lãi suất ưu đãi cho vay đối với các doanh nghiệp được UBND tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ bình ổn thị trường. Mục tiêu của Chương trình nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường hàng hóa, từ đó bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Ngân sách Nhà nước không phải hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn như trước đây.
Trong Quý I/2016, doanh số ký kết cho vay khách hàng tham gia Chương trình của TCTD tiếp tục duy trì so với thời điểm cuối năm 2015, đạt trên 17.000 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng cho Chương trình đến 31/3/2016 là trên 4.000 tỷ đồng, mức lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ tiếp tục duy trì ở mức thấp, phổ biến từ 4%-8%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 5,5%-10%/năm. Ước dư nợ tín dụng chương trình cho vay bình ổn giá Quý II/2016 đạt 4.400 tỷ đồng.
Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đã trực tiếp chia sẻ nhiều câu hỏi của doanh nghiệp về một số trường hợp cụ thể để tiếp cận được vốn từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, điều kiện để được vay vốn từ Quỹ là doanh nghiệp phải hoạt động trong lĩnh vực: Nông lâm nghiệp – thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; Cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải... Mức vay tối đa 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Thời hạn vay tối đa 10 năm. Lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay vốn và luôn thấp hơn 90% lãi suất cho vay thương mại. Đối với lãi suất cho vay vốn ngắn hạn với thời hạn vay vốn dưới 01 năm là 5,5%. Lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn là 7%/năm.
Đây là một hội thảo rất doanh nghiệp đánh giá cao, mang tính trao đổi cởi mở trực tiếp giữa doanh nghiệp – ngân hàng – quỹ phát triển doanh nghiệp, không nặng tính độc thoại một chiều như một số hội thảo khác.
Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận