Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: Nguyên nhân cũ, nỗi lo trước mắt

27/05/2019, 10:39

TCDN - Tín dụng cho khu vực DNNVV có xu hướng tăng đều qua các năm. Việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi đi vay vốn ngân hàng do không có tài sản bảo đảm hợp pháp/ không đủ uy tín để vay tín chấp/ không có khả năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, trong khi ngân hàng vẫn đang là bài toán khó.

Tài sản đảm bảo vẫn là vấn đề muôn thuở


Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2019 tín dụng tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15,57%, chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, 54% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, 41% trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 5% là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Phương Hoa, đại diện doanh nghiệp chuyên về nông sản và thực phẩm sạch tại Hà Nội cho hay, công ty khởi nghiệp từ năm 2013, đến nay đã có chuỗi 40 cửa hàng về thực phẩm sạch trên toàn quốc. Để thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã “gõ cửa” nhiều ngân hàng nhưng do không có tài sản thế chấp nên đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thể vay vốn ngân hàng.

Bà Trần Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tài sản thế chấp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ngại vay vốn nên đã tìm đến nguồn vay tín dụng đen.

Lý giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa có hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể. Sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp.

Đặc biệt, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi chưa có tài sản đảm bảo. Đây là những lý do chính ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế khả năng tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế. Một bài toán khó hiện nay là do doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp hoặc không có khả năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, hay không có dự án khả thi để các NHTM xem xét cho vay. Nút thắt của vấn đề này là do tâm lý của doanh nghiệp cho rằng vay vốn từ ngân hàng không dễ, và điều khoản, điều kiện tiêu chuẩn vay của các doanh nghiệp luôn không đủ.

Về phía các ngân hàng, tư duy về tính an toàn cao, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Cụ thể Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần rất quan tâm đến cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, ở nhiều bộ phận hay nhiều địa phương vẫn còn tình trạng “thờ ơ” với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các NHTM cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời và cần chọn lọc doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp.

Thiết kế gói vay tín chấp phù hợp

Để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, bà Lê Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh - một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng nông sản kiến nghị, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa với các gói vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh ngành hàng nông sản, nông nghiệp. Còn đối với các ngân hàng, nên thiết kế các gói vay tín chấp phù hợp với mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Văn Thân cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp cần đồng hành, ngồi lại trao đổi với nhau để tìm ra giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét việc hạ thấp điều kiện cho vay, nếu không thì các doanh nghiệp nhả và vừa sẽ không vay được vốn. Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau và để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Tần cho biết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các TCTD: (i) đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; (ii) tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; (iii) cân đối khả năng tài chính, thường xuyên tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp; (iv) phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro.

Một trong những giải pháp trọng tâm là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tổ chức tín dụng, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hoàng Hà - Tạp chí TCDN số 5/2019
Bạn đang đọc bài viết Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: Nguyên nhân cũ, nỗi lo trước mắt tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận