Khó khăn trong thu hồi vốn tạm ứng đầu tư

21/11/2018, 07:05

TCDN - Tình trạng nợ tạm ứng quá hạn đối với các dự án đầu tư xây dựng kéo dài chưa xử lý được dứt điểm.

Với vai trò của mình, Kho bạc Nhà nước đã tích cực đôn đốc các chủ đầu tư nhanh chóng thanh toán các khoản tạm ứng này, tuy nhiên trên thực tế, công tác này đang bộc lộ những vướng mắc.


Giải phóng mặt bằng tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: H.T

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, theo quy định hiện hành, đối với công việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, sau khi chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư (CĐT) tập hợp chứng từ, làm thủ tục thanh toán và thu hồi tạm ứng trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày chi trả cho người thụ hưởng mà không cần chờ đến khi toàn bộ các hộ dân trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã nhận tiền mới làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng.

Hay như, vốn tạm ứng được thu hồi qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng. Mức thu hồi từng lần do CĐT thống nhất với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng, đảm bảo thu hồi hết khi giá trị thanh toán đạt 80% giá trị hợp đồng (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành)…

Tuy nhiên, theo thanh tra chuyên ngành kho bạc, trong thực tế, các chủ đầu tư không thực hiện thanh toán tạm ứng đúng như quy định trên. CĐT chờ chi trả xong toàn bộ cho những người thụ hưởng theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mới đến KBNN làm thủ tục thanh toán tạm ứng tiền.

Hiện nay, một số hợp đồng xây dựng được ký giữa CĐT và đơn vị thi công không quy định cụ thể thời điểm thu hồi tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng qua từng lần thanh toán, chỉ quy định chung là khi thanh toán khối lượng lần đầu thì phải thanh toán tạm ứng. Do vậy, khi thanh toán khối lượng lần đầu và các lần tiếp theo, CĐT chỉ thanh toán thu hồi tạm ứng một khoản rất thấp nên KBNN rất khó buộc CĐT tích cực thu hồi vốn tạm ứng. Bên cạnh đó, nếu không có sự phối hợp tích cực của các CĐT, KBNN không thể phát hiện nhà thầu sử dụng vốn tạm ứng có đúng mục đích hay không. Đây chính là khó khăn của KBNN trong việc đôn đốc để thu hồi vốn đã ứng cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Ngoài ra, một số CĐT không có số dư tài khoản tiền gửi, hoặc số dư tài khoản tiền gửi không đủ để KBNN trích từ tài khoản này để nộp lại NSNN khi CĐT không hoàn trả số vốn đã tạm ứng.

Cũng theo thanh tra chuyên ngành kho bạc, qua công tác thanh tra cũng đã phát hiện ra một số dự án đầu tư có số dư tạm ứng kinh phí lớn, việc thanh toán tạm ứng kéo dài qua nhiều năm. Các đơn vị KBNN đã có nhiều văn bản đôn đốc nhưng CĐT vẫn chậm thanh toán, thanh tra không thể lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì chưa có chế tài cụ thể cho vấn đề này.

Từ thực tế này, các cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành kho bạc đang có kiến nghị cần quy định cụ thể trường hợp CĐT tự chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng sau khi tạm ứng, nếu không chi trả hết cho hộ dân phải nộp trả số tiền ngay trong ngày vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mở tại KBNN. Đồng thời, chậm nhất 30 ngày phải lập phụ lục thanh toán tạm ứng với KBNN số đã chi trả cho hộ dân, không để chi trả xong mới làm thủ tục thanh toán tạm ứng.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi việc thu hồi vốn tạm ứng theo hướng cụ thể hơn. Theo đó, quy định mức thu hồi từng lần do CĐT thống nhất với nhà thầu, tối thiểu đạt 50% giá trị của từng lần thanh toán khối lượng hoàn thành và đảm bảo thu hồi hết khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt 80% giá trị hợp đồng./.

Theo Thoibaotaichinh

Bạn đang đọc bài viết Khó khăn trong thu hồi vốn tạm ứng đầu tư tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận