Không nên xây dựng đề án dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu

29/09/2016, 09:07

TCDN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung phân công Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Đề án Nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu (dưới dạng dự thảo nghị quyết) với mốc thời gian thực hiện là trong năm 2017 để trình Quốc hội.


Trước hết, đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu nói trên cần phải bắt đầu bằng mệnh đề xuyên suốt là bất kỳ nơi nào trên thế giới này, giới chủ ngân hàng đã và sẽ luôn yêu cầu Nhà nước dùng tiền người nộp thuế bơm vào ngân hàng (recapitalize) khi họ gặp khó; ngược lại, cũng rất tự nhiên, người đóng thuế đã và sẽ luôn phản đối ý tưởng này.

Bài học xử lý tận gốc rễ vấn đề của hệ thống ngân hàng và DNNN

Việt Nam đã và sẽ học được gì từ kinh nghiệm quốc tế?

Chỉ tính từ thập niên 1990 tới nay, các nước từ châu Á cho đến khu vực châu Âu (EU) như Ý, Tây Ban Nha... nợ xấu cứ tăng dần đều. Khu vực EU chẳng hạn, trong số các nước có nợ xấu thuộc loại ít nghiêm trọng nhất, thì Ý có nợ xấu tăng dần từ 4% năm 2005 lên đến 38% vào năm 2015. Khủng hoảng nợ xấu hệ thống ngân hàng khu vực EU được đánh giá còn nguy hiểm hơn cả sự kiện Brexit (nước Anh rời khỏi EU).

Nên nhớ, EU có một chiến lược xử lý nợ xấu chuyên nghiệp và có rất nhiều yếu tố hỗ trợ như thuê các chuyên gia độc lập tư vấn, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tên tuổi đánh giá nợ xấu, các chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại được tuân thủ nghiêm ngặt, hệ thống tòa án tin cậy, chương trình chứng khoán hóa nợ xấu bài bản. Vậy sao nợ xấu cứ tăng dần đều?

Trong khi đó, một điển cứu thành công trong việc xử lý nợ xấu là khi Chính phủ Mỹ lập ra RTC (Resolution Trust Corporation) vào năm 1989 (để xử lý nợ xấu từ cuộc khủng hoảng ngân hàng thập niên 1980). Tỷ lệ thu hồi nợ xấu của RTC thuộc loại cao nhất thế giới: 86%. Sau đó số liệu giai đoạn 1995-2015 cho thấy nợ xấu hệ thống ngân hàng Mỹ rất ổn định, chỉ dao động 1,5%.

Vì sao có sự khác biệt đáng kể trong kết quả xử lý nợ xấu giữa hai nền kinh tế phát triển hàng đầu là EU và Mỹ? Cần ghi nhớ hai nguyên nhân cốt lõi.

Thứ nhất, thành công của RTC là do Chính phủ Mỹ mạnh dạn cắt bỏ các tế bào ung thư với hàng loạt ngân hàng yếu kém phá sản, trong khi EU rơi vào tình trạng khủng hoảng ngân hàng hiện nay do không dám mạnh dạn cho phá sản ngân hàng. Thứ hai, trong khi Mỹ có một thị trường mua bán nợ xấu phát triển rất sâu thì điều không ngờ là khu vực EU lại có một thị trường mua bán nợ xấu kém phát triển hơn nhiều.

Với thực trạng hiện nay cần phải chấp nhận một giai đoạn bình thường mới (New Normal) của nền kinh tế (vì có nhiều yếu tố khác cản trở nền kinh tế trở lại trạng thái trước đây chứ không chỉ có nợ xấu).

Trung Quốc là một trường hợp khác mà Việt Nam rất cần và nên rút kinh nghiệm khi họ dứt khoát không cho phá sản ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Họ chỉ nghĩ đến bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, đặc biệt là tham vọng “chứng khoán hóa nợ xấu” vừa triển khai đầu năm nay. Đến tháng 7-2016, kết quả có đến 80% nợ xấu chứng khoán hóa cứ chảy lòng vòng trong bốn ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc. Nguy cơ khủng hoảng nợ xấu càng lên cao khi mới đây hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính nợ xấu của họ trên thực tế cao gấp 10 lần con số công bố.

Tóm lại, kinh nghiệm quốc tế cho thấy xử lý tận gốc rễ vấn đề của hệ thống ngân hàng và DNNN là bài học đầu tiên mang tính quyết định để xóa nợ xấu cũ và ngăn chặn nhiều thế hệ “nợ xấu mới” phát sinh.

Biến VAMC thành một ngân hàng đầu tư thay vì sử dụng tiền người nộp thuế

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực ra có chức năng giống như một ngân hàng bệnh viện “thu gom nợ xấu” (hospital bank). Lập ra VAMC nhưng không biết cách sử dụng thì có khi nó trở thành vấn đề chứ không phải là giải pháp. Nếu không dám chấp nhận chịu đau một lần để xử lý nợ xấu thì rồi đây kịch bản EU và Trung Quốc cũng sẽ lặp lại ở ngân hàng bệnh viện VAMC.

Phải thừa nhận là ít có định chế nào có được lợi thế kinh tế theo quy mô của nó như VAMC. Nếu không có một định chế do Chính phủ lập ra như VACM, sẽ tốn kém nhiều nguồn lực, thời gian và chi phí để tổng hợp, phân loại và gói ghém các khoản nợ xấu ở nhiều ngân hàng khác nhau thành nhiều gói nợ xấu đồng nhất để bán ra thị trường. Vấn đề là cần phải biết tận dụng ưu thế đó để biến chúng thành nguồn lực thực tế.
Thay vì chỉ tư duy dùng thêm tiền người nộp thuế bỏ tiếp vào VAMC để mua nợ xấu theo giá thị trường thì Chính phủ nên đưa ra một cam kết chính trị mạnh mẽ năm hay sáu năm nữa sẽ chuyển VAMC thành một ngân hàng đầu tư, để sau đó cổ phần hóa nhằm thu hồi tiền bơm vào trước đây. Cam kết này có khả năng, ngay từ bây giờ, thu hút các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao bỏ vốn vào VAMC kiếm lời khi thị trường hồi phục sau này.

Một phương án khả dĩ khác là hình thành một định chế dạng VAMC công - tư kết hợp. Vấn đề còn lại là tìm cách tháo bỏ mọi rào cản để có được một định chế công - tư như thế hơn là nghĩ đến việc bơm tiền vào VAMC. Nếu đã làm hết cách mà tư nhân vẫn không dám bỏ vốn vào thì càng chứng tỏ họ quá thông minh để hiểu được những lỗi hệ thống mà Việt Nam đang vướng phải khiến cho mọi thứ bế tắc.

Không sử dụng vốn ngân sách xử lý nợ xấu, chỉ quy định những trường hợp ngoại lệ cần có sự can thiệp của Nhà nước

Trước hết có một vấn đề cần làm rõ là mất bao nhiêu tiền để giải quyết dứt điểm nợ xấu. Tiền ít cũng bị phản ứng nhiều, tiền nhiều quá thì phản ứng càng mãnh liệt. Hơn nữa nợ công hiện nay xem như vượt trần và còn có quá nhiều khu vực khác xứng đáng được ưu tiên giải cứu hơn, như khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Có chuyên gia cho rằng cần 5.000-10.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu. Bởi lẽ theo họ, chỉ tiêu tốn khoảng 0,1% GDP, nợ công tăng thêm chừng ấy mà toàn bộ cục diện nợ xấu được giải quyết: cục máu đông biến mất; lãi suất giảm; kinh tế hồi phục; nguồn thu ngân sách sau đó sẽ tăng lên và nợ công giảm đi? Nhưng giải thích thế nào đây khi số liệu công bố cho thấy RTC của Mỹ có tỷ lệ giải cứu nợ xấu thuộc dạng thành công nhất đã tiêu tốn ngân sách 1,5% GDP. Con số thực sự ở Việt Nam sẽ là bao nhiêu khi mà có quá nhiều khuất tất trong số liệu nợ xấu. Ngay cả nếu có tiền bơm vào thì liệu mọi điều tốt đẹp có diễn ra như lập trình.

Để tránh những dạng suy đoán tùy tiện trong đánh giá và xử lý nợ xấu, có thể rút kinh nghiệm từ EU với “Quy tắc BRRD” (Quy tắc xử lý nợ xấu và phục hồi ngân hàng). EU quy định bất kỳ cuộc giải cứu ngân hàng nào bằng tiền ngân sách đều vi phạm quy tắc này, trừ những trường hợp ngoại lệ. Chỉ được gọi là trường hợp ngoại lệ khi xuất hiện rõ ràng các dấu hiệu của một sự nhiễu loạn nghiêm trọng (serious disturbance).

Nhiễu loạn nghiêm trọng được hiểu là tự dưng sáng thức dậy người dân cảm thấy bất an nên đến hàng loạt ngân hàng rút hết tiền, hay dòng vốn quốc tế tự dưng ào ạt tháo chạy, hay sắp hình thành rõ ràng một cơn dông tố khủng hoảng tài chính phía trước. Trong trường hợp này tiền thuế của dân mới được bơm vào ngân hàng, gọi là bơm vốn đề phòng thảm họa (precautionary recapitalization). Chính phủ sẽ là chủ nhân của ngân hàng này sau đó. Tình hình Việt Nam đâu đến mức này, nay bỗng dưng lại nghiên cứu đề án sử dụng tiền người nộp thuế xử lý nợ xấu.

Thay vì tư duy dựa vào tiền, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần phải dựa trên một chiến lược tổng thể trên ba trụ cột: (1) cơ chế giám sát ngân hàng và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại (2) chỉnh sửa lại Luật Phá sản và các yêu cầu nghiêm ngặt công bố thông tin sức khỏe tài chính ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt chú ý đến khối DNNN và (3) phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Nguyên tắc luôn được tuân thủ triệt để khi xử lý nợ xấu bằng tiền người nộp thuế là các chủ ngân hàng, kể cả các chủ nợ, phải chịu mất vốn và tự xử trước (bail-in) rồi mới đến nhà nước giải cứu (bailout) sau cùng.

Thiếu sự thật, có bao nhiêu đề án vĩ đại cũng vậy

Thời gian qua dường như vấn đề nợ xấu đã được nghiêm trọng hóa và đẩy đến mức cao trào. Nợ xấu bị bắt làm con tin để đi đến giải pháp cấp bách và duy nhất rơi đúng vào địa chỉ là tiền người nộp thuế mà không có bất kỳ số liệu nào minh chứng thật thuyết phục. Muốn sử dụng đồng tiền thuế của dân vào việc này đâu thể nói khơi khơi như thế được.

Với thực trạng hiện nay cần phải chấp nhận một giai đoạn bình thường mới (New Normal) của nền kinh tế (vì có nhiều yếu tố khác cản trở nền kinh tế trở lại trạng thái trước đây chứ không chỉ có nợ xấu).

Phải chấp nhận sống chung với nợ xấu cũ và tìm giải pháp giải quyết chúng từ gốc rễ của vấn đề. Chỉ cần Ngân hàng Nhà nước giám sát sao cho nợ xấu mới không phát sinh thêm đã thành công lắm rồi. Cần phải kiên trì xử lý nợ xấu bằng “giải pháp tự nhiên” thông qua quá trình hồi phục kinh tế và thị trường bất động sản, cùng với đó là tiến hành có thực chất quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và DNNN. Từng bước hình thành thị trường nợ xấu bằng cách thiết lập cơ sở hạ tầng thị trường thông qua các quy định nghiêm ngặt trong công bố thông tin tài chính của ngân hàng và khách hàng vay nợ; nới lỏng các điều kiện cho phép các tổ chức tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động mua bán nợ xấu; khuyến khích giải quyết tranh chấp giữa các bên bằng phương pháp “ngoài tòa án”; ban hành các khuôn khổ pháp lý chứng khoán hóa nợ xấu.

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn

Bạn đang đọc bài viết Không nên xây dựng đề án dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận