Kon Tum: Hàng loạt dự án sau cấp phép vẫn ‘án binh bất động’

03/12/2018, 08:53

TCDN - Tỉnh Kon Tum đã cho phá hàng trăm ha rừng, chuyển đổi hàng nghìn ha đất nông nghiệp để lấy mặt bằng giao cho các nhà đầu tư nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chỉ thuộc diện “treo” và đang nằm trên giấy.

UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh việc quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu Giám đốc Sở KH&ĐT tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trên địa bàn, thẩm tra, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án để tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án liên tục được bàn giao

Huyện Kon Plông được xem là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Kon Tum. Những năm qua, chính quyền địa phương đã “trải thảm đỏ” kêu gọi các nhà đầu tư vào vùng đất được xem như Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên. Tuy nhiên, sự rốt ráo, tạo điều kiện tốt nhất của chính quyền địa phương tỷ lệ nghịch với sự đầu tư dự án của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sau khi được giao đất để triển khai dự án thì giữ đất để đó, không chịu đầu tư hoặc chỉ đầu tư theo kiểu nhỏ giọt.

20181127_155437

Rừng thông lâu năm bị chặt hạ để giao cho chủ đầu tư thực hiện “dự án trên giấy”

Năm 2017, sau khi UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 200 ha đất tại xã Đắk Long, huyện Kon Plong để giao cho Công ty TNHH Đăng Vinh thực hiện dự án trồng cây mắc ca. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông đã gấp rút chặt hạ rừng thông 20 tuổi tại đây để lấy mặt bằng giao cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ngày 29/11, PV Nhadautu.vn ghi nhận, dự án chỉ là những quả đồi nham nhở bởi những gốc thông, có những nơi được san ủi dở dang. Những cánh rừng thông xanh ngút trước đây nay chỉ còn trơ lại gốc. Một số cây thông may mắn chưa bị đốn hạ nằm lẻ loi trên đỉnh đồi. Dấu hiệu của dự án chỉ là một ít cây mắc ca, bưởi và hai căn nhà gỗ.

Một cán bộ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plong bức xúc: “Lúc tỉnh chưa thu hồi thì công ty gọi điện liên tục bắt chúng tôi chặt hạ cây thông để nhanh chóng triển khai dự án. Tuy nhiên, khi giao mặt bằng rồi thì công ty lại bỏ không, tiến độ dự án không thấy nhúc nhíc”.

Năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum đã cấp phép chứng nhận đầu tư, quyết định cho thuê đất từ năm 2015 với dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau củ quả xứ lạnh xuất khẩu, kết hợp với chăn nuôi do Công ty TNHH MTV Kon Tum Bellest làm chủ đầu tư có diện tích 105 ha tại xã Đăk Long. Sau nhiều năm, nơi đây ngoài những hạng mục nhỏ lẻ thì chưa triển khai được gì. Hàng trăm ha đất vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Ngoài các dự án trên, hàng chục dự án trồng rau hoa xứ lạnh, khu du lịch sinh thái khác cũng chỉ đầu tư một vài hạng mục nhỏ còn lại bỏ hoang. Thống kê của UBND huyện Kon Plong cho thấy, có 96 dự án đã được kêu gọi với tổng diện tích hơn 6.200 ha đất. Trong đó có tới 49 dự án trồng ra hoa xứ lạnh với gần 1.500 ha (vốn đăng ký hơn 1.600 tỷ đồng).

Hiện tại, 49 dự án rau hoa xứ lạnh trên đều chậm triển khai, chỉ làm một vài hạng mục nhỏ lẻ rồi để cỏ dại mọc um tùm. Giới chuyên gia nhận định việc thực hiện dự án một cách đối phó, không đúng với mục tiêu, thực chất là vẽ dự án với mục đích chính là để đấy chờ đầu cơ.

Chính quyền đã chấn chỉnh

Đáng chú ý, tại nhiều dự án còn có hiện tượng chia nhỏ diện tích và bán lại cho người dân. Điển hình, một phần diện tích đất của Hợp tác xã Nông dược Vạn Xuân đã được phân lô, bán nền rất nhiều. Các hộ dân mới mua đất đã tự ý xây dựng nhà hình thành nên khu dân cư.

Chính điều này, đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương nơi đây. Khi chúng tôi tới làm việc, lãnh đạo UBND huyện Kon Plong được thông báo đang họp. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại để làm việc về những nội dung trên nhưng không được phản hồi.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, một số dự án triển khai chậm tiến độ hoặc không thực hiện, một số dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng nhưng không được cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Ngoài ra, còn do việc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư, đất đai chưa được thường xuyên.

UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh việc quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiện đã giao các ngành chức năng, địa phương tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ. Từ đó, UBND tỉnh sẽ thu hồi chủ trương và chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.

Ngoài ra, đối với các dự án dưới 1 năm chưa thực hiện thủ tục tiếp theo, Sở KH&ĐT phải có văn bản đôn đốc sớm hoàn thành thủ tục để đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng tiến độ. Đồng thời, đề nghị các nhà đầu tư nếu có vướng mắc thì báo cáo.

Sở TN&MT phải tăng cường quản lý nhà nước về đất đai đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm theo đúng quy định đối với các dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; kịp thời phát hiện và đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất các dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định.

Theo Nhà đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum: Hàng loạt dự án sau cấp phép vẫn ‘án binh bất động’ tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận