Ngành may và gỗ trước cuộc chiến thương mại: “Thuận buồm” nhưng không “xuôi gió“

24/09/2018, 09:29

TCDN -

Cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang với những tuyên bố áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc của Hoa Kỳ, theo nhiều phân tích đây có thể là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho một số ngành hàng chính của Việt Nam, song từ cơ hội đến thực tế vẫn còn nhiều thách thức.
Cơ hội hiển hiện
Ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định áp thuế quan bổ sung 10% lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 24-9, và sẽ tăng bổ sung tiếp lên 25% vào đầu năm sau, nhiều chuyên gia đã đưa ra phân tích về những ngành hàng của Việt Nam có thể được hưởng lợi.
Các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất… của Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ, cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, tăng xuất khẩu.
Nhìn vào ngành dệt may của Việt Nam có thể thấy rõ, nhiều năm qua Hoa Kỳ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), trong 31 tỷ USD giá trị xuất khẩu ngành dệt may thực hiện được trong năm 2017, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 12,8 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas nhìn nhận khi Hoa Kỳ tăng thuế vào nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó có dệt may, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho ngành này tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tác động sẽ không đến ngay mà chuyển động từ từ, nhưng cái gì thuận tiện không có nghĩa dễ trôi.
Cùng với dệt may, đồ gỗ cũng là một trong những ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến này. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho rằng dù Hoa Kỳ đã áp thuế bổ sung cho hàng hóa Trung Quốc, nhưng từ giờ đến cuối năm xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng sẽ không có biến động, nếu có chuyển động cũng phải bắt đầu từ năm 2019, 2020.
Song ông Quyền cũng đánh giá những tác động tích cực ngành gỗ Việt Nam có thể được hưởng trong tương lai. Bởi khi giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ chuyển đơn hàng sang Việt Nam, giúp tăng trưởng xuất khẩu cho ngành gỗ Việt, góp phần giải bài toán Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho toàn ngành phải đạt 12-13 tỷ USD trong năm 2020.
Lâu nay đồ gỗ nội thất của Việt Nam vẫn được khách hàng tại Hoa Kỳ rất ưa chuộng, nhờ mẫu mã thay đổi đa dạng, giá thành hợp lý, nguyên liệu lại được nhập khẩu từ Hoa Kỳ về nên an tâm về nguồn gốc xuất xứ.
Chính vì thế ngành gỗ nội thất xuất vào Hoa Kỳ luôn có mức tăng trưởng 15%/năm. Nhiều đối tác tại Hoa Kỳ cũng cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên cũng như ngành dệt may, ngành gỗ cũng bày tỏ những lo ngại về nhiều thách thức có thể đến từ chính cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc.
DN Trung Quốc không dễ buông
Thách thức đầu tiên được nhắc đến chính là việc các DN Trung Quốc có thể dịch chuyển sản xuất, dịch chuyển hàng hóa sang Việt Nam, gắn mác “made in Vietnam” để tránh bị Hoa Kỳ đánh thuế.
Điều này sẽ gây ra 2 tác động, thứ nhất hàng Việt thực tế sẽ không tăng trưởng được bao nhiêu (do hàng Trung Quốc tràn qua), thứ hai nếu Hoa Kỳ phát hiện ra có hiện tượng này sẽ đánh thuế lên hàng hoá Việt Nam. Và ngành thép đã từng bị Hoa Kỳ đánh thuế cao do nghi ngờ thép Trung Quốc chuyển qua Việt Nam để trốn thuế. Đó cũng là bài học cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trên thực tế phía Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng đang tính tới những mặt trái có thể xảy đến. Trước lần áp thuế này, Hoa Kỳ từng 3 lần đánh thuế chống bán phá giá với mặt hàng gỗ từ Trung Quốc.
Do vậy việc Trung Quốc sẽ chuyển các nhà máy sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá và tránh mức thuế mới là điều dễ xảy ra. Hiện nay, tại Việt Nam cũng có nhiều DN FDI trong ngành gỗ đến từ Trung Quốc, họ chủ yếu đặt nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai.
Đó là chưa kể hình thức DN Trung Quốc đưa hàng qua Việt Nam, hợp tác với một vài DN trong nước để hợp thức hóa nguồn gốc. “Chúng tôi đã có những khuyến cáo với các DN trong hiệp hội phải cẩn trọng, không vì lợi ích trước mắt ảnh hưởng đến toàn ngành. Ngoài ra chúng tôi cũng đang nghiên cứu đề xuất chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng này” - ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết.
Để nắm được cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc một mặt phải tìm cách hạn chế việc dịch chuyển hàng hóa Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn là các DN Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất của mình từ đó mới có thể đảm đương được lượng đơn hàng gia tăng.
“Giả sử trong ngành may khi đơn hàng dồi dào mà DN thiếu lao động cũng không dám nhận, vì nếu nhận cũng phải thuê gia công bên ngoài, lợi nhuận không bao nhiêu lại thiếu tính ổn định. Chính vì thế, ngay từ bây giờ các DN cần nỗ lực nâng cao năng suất, đầu tư thêm thiết bị tự động… để đón các cơ hội trong tương lai” - ông Phạm Xuân Hồng nhấn mạnh.
Không chỉ ngành may mà ngay trong ngành gỗ, năng lực sản xuất của các DN Việt Nam hiện nay cũng rất cần được cải thiện. Lâu nay khi bàn đến các giải pháp phát triển ngành, phía hiệp hội và các DN cũng bàn đến việc DN phải đổi mới công nghệ, giúp tiết kiệm năng lượng, hạn chế thâm dụng lao động, năng suất cao và thân thiện với môi trường.
Theo đánh giá của các DN, vấn đề đổi mới công nghệ đang có những bước mở khá lạc quan. Bởi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU chính thức được thông qua, thuế nhập khẩu máy móc từ EU sẽ giảm về 0%, tương đương giảm 20% chi phí nhập máy móc từ EU so với trước đây. Tuy nhiên, DN vẫn phải giải 2 bài toán lớn là vốn đầu tư và đào tạo công nhân vận hành công nghệ mới, trong đó nguồn vốn rất cần có sự trợ lực của Nhà nước.
Theo saigondautu.com.vn
Bạn đang đọc bài viết Ngành may và gỗ trước cuộc chiến thương mại: “Thuận buồm” nhưng không “xuôi gió“ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận