Những toan tính với dự trữ bắt buộc

19/02/2019, 11:22

TCDN - Dịp Tết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “lì xì” thị trường tiền tệ và cả thị trường tài chính bằng dự thảo thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng.

a895c_nhungtontinhvodutrubatbuoc

Ảnh: THÀNH HOA

Điểm nhấn của thông tư này là các tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt, ngắn gọn là các ngân hàng yếu kém sẽ được miễn dự trữ bắt buộc. Còn các tổ chức tín dụng hỗ trợ, tức là các ngân hàng được Nhà nước chỉ định tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tất nhiên NHNN sẽ quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong từng thời kỳ tùy theo tình hình.

Các ngân hàng hỗ trợ cho đến nay gồm có Vietcombank (đang hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng và tham gia tái cơ cấu Sacombank); VietinBank, BIDV. Đây đều là những ngân hàng lớn với tổng vốn huy động khoảng 1 triệu tỉ đồng/đơn vị. Việc được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp cả ba có thêm ít nhất 30.000-40.000 tỉ đồng để cung ứng tín dụng.

Hiện tại tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho các ngân hàng nói chung là 3% tổng vốn huy động đối với tiền đồng dưới 12 tháng; 1% trên 12 tháng; 8% và 6% tương ứng cho tiền gửi bằng ngoại tệ. Riêng Agribank được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo cơ chế riêng.

Về lý thuyết, việc giảm dự trữ bắt buộc sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng cải thiện giá thành huy động vốn, mở rộng thanh khoản, từ đó hạ lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vay vốn.

Bất kỳ một tín hiệu nới lỏng tiền tệ nào cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng một khi con số tuyệt đối tín dụng cung ứng cho nền kinh tế đã ở mức kỷ lục trên 7 triệu tỉ đồng. Thị trường tài chính thế giới đang trong thời kỳ biến động phức tạp, chuyển dịch mau lẹ, NHNN luôn cần dư địa cho công việc điều hành.

Trên thực tế, với việc giảm dự trữ bắt buộc, NHNN hướng đến mục tiêu hạ mặt bằng lãi suất vốn đang có chiều hướng đi lên kể từ quí 4 năm ngoái. Xét về mặt kỹ thuật, đây có thể xem như một sự “đền bù” cho các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh đã hưởng ứng “hiệu triệu” của NHNN giảm lãi suất cho vay năm lĩnh vực ưu tiên về 6%/năm ngay từ đầu năm 2019.

Dự trữ bắt buộc là một công cụ điều hành khá phổ biến của các ngân hàng trung ương. Khoảng 8-9 năm trước, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy là người ủng hộ mạnh mẽ việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Khi đó ông Thúy tính toán nếu tăng dự trữ bắt buộc 1% thì cơ quan quản lý có thêm tầm 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng tái cơ cấu mà không cần phải đưa thêm tiền ra, góp phần kiểm soát lạm phát khá cao thời ấy. Tuy nhiên, dự trữ bắt buộc cũng như lãi suất cơ bản đã bị lãng quên một thời gian dài.

Thay vào đó, suốt nhiều năm NHNN đã tích cực sử dụng hạn mức tín dụng và phân bổ quota tín dụng hàng năm cho các ngân hàng nhằm kiểm soát lượng vốn cho vay cũng như mức tăng trưởng tín dụng. Hai năm gần đây, tăng trưởng tín dụng và đầu tư công đã không còn cao như trước nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt mức kỷ lục. Điều này không hẳn là do hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế đã tốt hơn. Tăng trưởng GDP vẫn cao khi tín dụng và đầu tư công được kiểm soát chủ yếu là nhờ vốn đầu tư của nước ngoài. Các kênh đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đều đạt những mốc mới, kể cả vốn nước ngoài giải ngân vào bất động sản. Thặng dư thương mại của hai năm 2017-2018 cũng nhờ chính vào xuất nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Giờ đây, bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng nội tệ, cơ quan quản lý ngành ngân hàng không thể bỏ qua mục tiêu quan trọng khác là đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống với trọng tâm xử lý nợ xấu. Một trong những con đường xử lý nợ xấu nhanh là cải thiện lợi nhuận cho các ngân hàng nhằm tạo nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Giảm dự trữ bắt buộc là một yếu tố có tác dụng trong cải thiện lợi nhuận ngân hàng. Ngay cả trong trường hợp NHNN không giảm dự trữ bắt buộc chung, mà chỉ giảm 50% cho ba ngân hàng hỗ trợ cộng thêm cơ chế đặc biệt áp dụng cho Agribank, thì cũng đã là quá đủ cho hệ thống bởi bốn “ông lớn” này đang chiếm hơn một nửa thị phần thị trường tiền tệ.

Cũng phải thấy rằng việc giảm dự trữ bắt buộc còn giải quyết một điểm “nóng” khác là tỷ lệ cung cấp tín dụng trên vốn huy động. Số liệu của NHNN vào tháng 7-2018 chỉ ra tỷ lệ cho vay/huy động của khối ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh đã ở mức 93,7% và của toàn hệ thống là 87,6%. Cả hai số liệu này đều cao hơn quy định thông thường là 80% và cao hơn hẳn thông lệ quốc tế. Một số ngân hàng có các khoản tiền gửi lớn của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính và phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, vay mượn thị trường liên ngân hàng, vay các định chế tài chính nước ngoài. Còn nếu chỉ tính vốn huy động từ thị trường 1 (từ dân cư và doanh nghiệp) thì tỷ lệ cho vay/huy động của một số ngân hàng vượt quá 100%. Rủi ro không hề nhỏ.

Sức ép giảm lãi suất tiếp tục là áp lực đối với nhà điều hành và các ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vốn hoạt động kém hiệu quả. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc 3% đối với tiền đồng dưới 12 tháng thực ra không cao và 1% đối với tiền đồng trên 12 tháng đã là giới hạn cuối. Việc giảm một nửa tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng hỗ trợ cũng nên tiến hành thận trọng và có thời hạn nhất định. Bất kỳ một tín hiệu nới lỏng tiền tệ nào cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng một khi con số tuyệt đối tín dụng cung ứng cho nền kinh tế đã ở mức kỷ lục trên 7 triệu tỉ đồng. Thị trường tài chính thế giới đang trong thời kỳ biến động phức tạp, chuyển dịch mau lẹ, NHNN luôn cần dư địa cho công việc điều hành. Việc khai thác mọi khoảng trống dư địa để đạt tăng trưởng GDP bằng mọi giá có lẽ không cần thiết.

Theo Hải Lý/ The Saigontimes

Bạn đang đọc bài viết Những toan tính với dự trữ bắt buộc tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận