Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 được Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia công bố ngày 26/12 cho thấy tỷ lệ nợ xấu thực của ngành ngân hàng hiện cao hơn nhiều so với con số mà ngành tự tính toán.

Trình bày bản báo cáo này, ông Nguyễn Văn Thùy - Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp (UBGSTCQG) cho biết, theo tính toán của cơ quan này, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng là 9,5%.

Con số 9,5% nói trên đã giảm so với đầu năm nhưng vẫn đang cao gấp 3 lần so với tỷ lệ "dưới 3% tổng dư nợ" của nợ xấu nội bảng mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo cách đây chưa lâu.

Trước đó, tại phiên chất vấn trên Quốc hội hồi giữa tháng 11, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là 2,34%, giảm so với mức 2,46% cuối năm trước. Tuy nhiên, ông Hưng cũng thẳng thắn cho biết đây chỉ là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng, chưa gộp các nợ xấu đã bán sang VAMC và được đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản.

Nếu tính thận trọng bao gồm cả một số khoản nợ tiềm ẩn, nợ VAMC đã mua cùng với nợ xấu nội bảng tại ngân hàng thì tổng mức nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 là khoảng 566.000 tỷ đồng, theo ông Hưng, tương đương tỷ lệ 8,61%.

Theo Uỷ ban Giám sát, quá trình xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm nhờ tác động Nghị quyết 42. Tính cả năm, ngành ngân hàng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng. Lượng trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng năm 2017, theo Uỷ ban, tăng 24,7% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng nợ xấu theo các ngân hàng báo cáo là 65,8%.

Năm 2018, cơ quan này dự báo lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng sẽ có nhiều khả quan. Nguyên nhân đến từ tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng tiếp tục giữ được tốc độ ổn định như năm 2017, nợ xấu có thể xử lý nhanh hơn và tăng thu nhập của các tổ chức tín dụng thông qua hoàn nhập dự phòng nợ xấu. Các ngân hàng nhờ đó cũng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Theo Thuonggiaonline.vn