Nobel Kinh tế 2018: Chạm tới bài toán khó của thời đại

09/10/2018, 08:53

TCDN -

Những khám phá của hai nhà nghiên cứu nhận giải Nobel Kinh tế 2018 giúp chúng ta đến gần hơn đáng kể việc trả lời câu hỏi làm thế nào đạt được tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững

Hai nhà nghiên cứu người Mỹ William Nordhaus và Paul Romer đã được trao giải Nobel Kinh tế 2018 hôm 8-10 vì những công trình liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế bền vững, lành mạnh.

Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, hai chuyên gia này đã mở rộng phạm vi phân tích kinh tế bằng cách xây dựng các mô hình giúp giải thích kinh tế thị trường tương tác thế nào với thiên nhiên và tri thức.

Những vấn đề toàn cầu dài hạn

Ông William Nordhaus, hiện làm việc tại Trường ĐH Yale (Mỹ), được vinh danh vì công trình về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Những công trình nghiên cứu của chuyên gia sinh năm 1941 này tập trung vào những tương tác giữa xã hội và thiên nhiên. Ông quyết định dành nhiều công sức cho đề tài này vào những năm 1970 giữa lúc các nhà khoa học ngày càng lo ngại việc đốt nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ khiến thế giới ấm dần lên.

Đến giữa những năm 1990, ông trở thành người đầu tiên tạo ra một mô hình định lượng mô tả ảnh hưởng lẫn nhau giữa kinh tế và khí hậu. Mô hình của ông kết hợp các lý thuyết và kết quả kinh nghiệm từ ngành vật lý, hóa học và kinh tế học. Giờ đây, mô hình này được sử dụng rộng rãi trong việc mô phỏng kinh tế và khí hậu cùng tiến hóa ra sao. Nó cũng được sử dụng để kiểm tra những hệ quả của việc tác động lên chính sách khí hậu, như thuế khí thải carbon.

Trong khi đó, ông Paul Romer, đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Trường ĐH New York (Mỹ), được đánh giá cao bởi những nghiên cứu đặt nền tảng cho lý thuyết tăng trưởng nội sinh. Lý thuyết này đã dẫn đến hàng loạt nghiên cứu mới về các quy định và chính sách nhằm khuyến khích những ý tưởng mới và thịnh vượng dài hạn.

Ông đã chứng minh được làm thế nào tri thức có thể đóng vai trò như một động lực của tăng trưởng kinh tế dài hạn. Trước đó, những nghiên cứu về kinh tế vĩ mô đã nhấn mạnh đổi mới công nghệ là động lực hàng đầu của tăng trưởng kinh tế nhưng chưa làm rõ các quyết định kinh tế và điều kiện thị trường quyết định ra sao đến sự ra đời của công nghệ mới.

Nobel Kinh tế 2018: Chạm tới bài toán khó của thời đại - Ảnh 1.

Khung cảnh buổi công bố giải Nobel Kinh tế 2018Ảnh: Reuters

Phần thưởng xứng đáng

Thoạt nhìn, có vẻ như những gì hai nhà kinh tế vĩ mô này nghiên cứu không có gì chung. Tuy nhiên, ông Per Krusell, chuyên gia tại Trường ĐH Stockholm (Thụy Điển) và là một trong ba nhân vật công bố giải thưởng, cho rằng cả hai người đều suy nghĩ về những vấn đề toàn cầu dài hạn và có quan điểm chung về chính sách kinh tế, cũng như thất bại của thị trường.

"Đóng góp của hai ông Paul Romer, William Nordhaus mang tính phương pháp luận, cung cấp những hiểu biết chuyên sâu về những nguyên nhân, hệ quả của sáng tạo, đổi mới công nghệ và biến đổi khí hậu" - Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận định.

Theo viện này, hai ông Nordhaus và Romer đã mở rộng quy mô kinh tế vĩ mô lên mức toàn cầu nhằm giải quyết một số thách thức lớn nhất của thế giới. Những khám phá của họ giúp chúng ta đến gần hơn đáng kể việc trả lời một trong những câu hỏi cơ bản và cấp bách nhất của thời đại chúng ta: Làm thế nào đạt được tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững lâu dài?

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, ông Romer, 63 tuổi, cho biết không khỏi bất ngờ khi được trao giải Nobel. Theo ông, sự lạc quan là yếu tố quan trọng trong nỗ lực giải quyết những vấn đề khó, như biến đổi khí hậu. "Một vấn đề hiện nay là người ta nghĩ rằng bảo vệ môi trường sẽ rất tốn kém và khó khăn đến nỗi họ muốn phớt lờ vấn đề này và giả vờ như nó không tồn tại" - ông nhận định.

Ông cũng cho rằng thế giới có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nếu bắt đầu từ lúc này, như giảm khí thải carbon trong lúc nâng cao chất lượng sống và duy trì tăng trưởng bền vững. Theo báo The Guardian, ông cũng lập luận rằng những cảnh báo tàn khốc về tương lai của hành tinh chúng ta không giúp ích gì nhiều vì chúng khiến người ta cảm thấy thờ ơ và tuyệt vọng.

Nhà nghiên cứu Max Roser của Trường ĐH Oxford (Anh) đánh giá cao kết quả giải Nobel Kinh tế năm nay. Theo ông, hai nhà nghiên cứu nói trên đã dành cuộc đời để nghiên cứu về những chuyển biến lớn trong lịch sử nhân loại bằng cách có tầm nhìn dài hạn về chuyện con người đang tiến về đâu. Trong khi đó, nhà kinh tế học người Mỹ Gernot Wagner nhận định cả hai ông Nordhaus và Romer đã đi những bước dài trong nỗ lực giúp giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Với việc được trao giải Nobel cuối cùng của mùa giải năm nay, hai ông Nordhaus và Romer chia nhau giải thưởng gần 1 triệu USD. Giải Nobel Kinh tế không thuộc số những giải Nobel đặt ra theo nguyện vọng của ông Alfred Nobel hồi năm 1895. Giải này do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra và tài trợ từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và cũng để tưởng nhớ ông Nobel.

Theo Người Lao động
Bạn đang đọc bài viết Nobel Kinh tế 2018: Chạm tới bài toán khó của thời đại tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận