Nối lại lộ trình thoái vốn Bệnh viện Giao thông - Vận tải

12/12/2017, 10:18

TCDN - Việc thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông - Vận tải (GTVT) đã nhận thêm những tín hiệu thuận cho việc sớm tái khởi động theo đúng lộ trình đã định.

Tín hiệu thuận

Sau rất nhiều chờ đợi, Bộ Tài chính đã chính thức lên tiếng ủng hộ việc nối lại lộ trình thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT vốn bị ngưng hơn 1 năm nay.

Cụ thể, tại Văn bản số 15610/BTC - TCDN vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, thống nhất với quan điểm của Bộ GTVT, Bộ Y tế về việc tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm cổ phần hóa (CPH) Bệnh viện GTVT theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015.

.
.

Có hai lý do khiến Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cho phép Bộ GTVT tiến hành thoái vốn nhà nước theo lộ trình đã định từ 2 năm trước.

Theo đó, tại Quyết định số 1129, Thủ tướng Chính phủ cho phép sau khi điều chỉnh vốn điều lệ tăng phần vốn nhà nước tương ứng với giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, Bộ GTVT sẽ thực hiện việc thoái bớt phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT xuống mức 30% vốn điều lệ.

Các nội dung nêu trên, theo Bộ Tài chính, là đã cáo bạch công khai trước các nhà đầu tư khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), cũng như khi đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Vì lẽ đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn cũng chính là để cụ thể hóa một trong những cam kết quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư khi tiến hành IPO Bệnh viện GTVT.

Bên cạnh đó, Bệnh viện GTVT là cơ sở y tế công lập đầu tiên được thực hiện thí điểm CPH, chuyển đổi từ mô hình đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần.

“Bệnh viện đã chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 5/1/2016, trước thời điểm Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết.

Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Tài chính đề nghị giao cho Bộ GTVT, Bộ Y tế tổ chức giám sát thường xuyên, chặt chẽ, đảm bảo Bệnh viện sau CPH hoạt động theo đúng mục tiêu, định hướng của Nhà nước, đồng thời có đánh giá để tổng kết mô hình thí điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương này.

Được biết, với giá trị quyết toán Dự án tòa nhà điều trị vừa được Bộ GTVT chốt là 294,1 tỷ đồng, nếu trừ giá trị xây dựng cơ bản hoàn thành theo giai đoạn đã được tạm tính vào giá trị doanh nghiệp khi xây dựng phương án CPH là 55 tỷ đồng, phần vốn nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 239 tỷ đồng.

Ngoài việc đẩy vốn điều lệ từ 168 tỷ đồng tại thời điểm hiện hữu lên 391,4 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông cũng sẽ có sự biến dạng lớn theo hướng bất lợi cho nhà đầu tư chiến lược - Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, người lao động. Từ việc đang nắm 30% vốn điều lệ, tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước sẽ vọt lên 70%. Nếu không thoái vốn đúng lộ trình cam kết, nhóm cổ đông do T&T đứng đầu sẽ đánh mất vị thế chi phối khi rơi từ 59,48% xuống chưa đầy 30%.

Thoái vốn sâu

Được biết, việc thoái vốn tại Bệnh viện GTVT bị chững lại do các cơ sở y tế, giáo dục công lập không còn nằm trong diện CPH theo tinh thần của Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Để tháo gỡ vướng mắc, vào tháng 7/2017, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý đối với việc tiếp tục bán vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 05 và tình hình thực tế triển khai cổ phần hóa tại công ty này.

Tại văn bản gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 8/2017, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc hai phương án: Nhà nước nắm giữ 51% hay 30% vốn điều lệ như Phương án thí điểm CPH đã được phê duyệt và được công bố trong bản cáo bạch.

Theo quan điểm của Bộ GTVT, trường hợp sau khi tăng vốn điều lệ và bán bớt phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT, nếu tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại đây là 51% vốn điều lệ, Nhà nước sẽ nắm quyền chi phối đối với các hoạt động của Công ty cổ phần bệnh viện.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, phương án Nhà nước chỉ thoái một phần vốn và vẫn nắm 51% vốn điều lệ mà Bộ Tài chính gợi ý là không đúng với các nội dung tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và cáo bạch công khai theo quy định khi bán đấu giá cổ phần, cũng như khi đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Việc phá vỡ cam kết thoái vốn này sẽ đẩy Bệnh viện GTVT đứng trước một tương lai khá bất định với nhiều hệ lụy xấu. Về tài chính, Công ty cổ phần sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn để mua thuốc, trang thiết bị y tế, trả lương cho người lao động, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất… nhất là khi đang lỗ lũy kế là 44,6 tỷ đồng (đến thời điểm 30/6/2017), cơ quan Bảo hiểm y tế còn nợ, chưa thanh toán của năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017 số tiền rất lớn (khoảng 60 tỷ đồng).

Với việc thoái vốn nửa vời, nhà đầu tư chưa chắc sẽ thực hiện cam kết chấp thuận lộ trình tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện và có đủ nguồn tài chính để tham gia mua tiếp số cổ phần nhà nước sẽ thoái vốn. Điều này sẽ dẫn tới việc điều hành, quản trị công ty không được cải thiện toàn diện, do những người lãnh đạo chủ chốt có thể là các nhà chuyên môn giỏi, nhưng không phải ai cũng có khả năng quản lý, điều hành doanh nghiệp tốt.

“Nếu Nhà nước nắm quyền chi phối, về tư duy quản trị doanh nghiệp dễ vẫn theo lối mòn, không tận dụng được ưu thế về quản trị doanh nghiệp của các thành phần kinh tế tư nhân. Mặt khác, các nhà đầu tư sẽ e ngại khi quyết định đầu tư phát triển Công ty cổ phần, dẫn đến không huy động được các nguồn lực khác”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết.

Theo Đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Nối lại lộ trình thoái vốn Bệnh viện Giao thông - Vận tải tại chuyên mục Thoái vốn của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận