Ông Bùi Kiến Thành:Đổi nợ xấu thành cổ phần, quá lạ lùng

11/10/2016, 08:54

TCDN -

Nợ xấu như những ung nhọt, có khả năng chuyển biến thành ung thư nhưng hoán đổi nợ xấu thành cổ phần doanh nghiệp không khiến nợ xấu biến mất.

Về phía ngân hàng, họ sẽ thu hồi tài sản qua doanh nghiệp theo cách nào, nếu doanh nghiệp không được tiếp thêm sinh lực, ăn nên làm ra nhờ phần góp vốn của họ? Nếu như vậy, vẫn không có tiền trả lại cho các chủ tài khoản đã gửi ở ngân hàng thương mại, nghĩa là nợ xấu chưa được giải quyết triệt để. Nói cách khác, trong trường hợp này, nợ xấu chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác, chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.

Vậy làm thế nào để xử lý dứt điểm nợ xấu của các ngân hàng thương mại? Chúng ta đã bỏ qua cơ hội xóa sạch nợ xấu bằng cách trích lập dự phòng rủi ro với sự hỗ trợ của VAMC, vậy thì chính Ngân hàng Nhà nước phải xắn tay vào trực tiếp giải quyết?

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu các Ngân Hàng Đại dương, Ngân hàng Xây dựng, bằng phương án mua lại toàn bộ cổ phần với giá bằng 0 đồng và tiếp tục cho các ngân hàng này hoạt động. Nhưng không thấy nói gì đến việc xử lý các nợ xấu của các ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% cổ phần, vậy Ngân hàng Nhà nước có lãnh 100% trách nhiệm trả lại cho các chủ tài khoản số tiền mà ngân hàng đả biến thành nợ xấu? Nếu như vậy Ngân hàng Nhà nước lấy đâu ra tiền để trả lại cho các chủ tài khoản? Tuy không nói ra, nhưng ta có thể ngầm hiểu rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ trích lập dự phòng trên các lợi nhuận phát sinh của các ngân hàng này để thanh lý nợ xấu đối với các chủ tài khoản.

Nếu đây là phương án được lựa chọn và nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại dương, Ngân hàng Xây dựng, không có lẽ gì, họ không thể tiếp tục áp dụng theo cách đó với các ngân hàng thương mại yếu kém khác.

Chúng ta không biến hệ thống ngân hàng thương mại thành công cụ của ngân hàng Trung ương nhưng vẫn tiếp tục cho nó hoạt động tạm thời dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thể hiện vai trò của Ngân hàng Trung ương, tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại yếu kém để nó duy trì hoạt động, cho doanh nghiệp vay với lãi suất hợp lý để doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển và trả nợ. Khi nào các ngân hàng yếu kém hoạt động tốt, và các nợ xấu đả được xử lý, thì Ngân hàng Nhà nước có thể bán lại cho các tổ chức, cá nhân.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng thương mại đang khó khăn nhưng vẫn có cơ hội phát triển. Nếu họ không huy động được vốn để cho vay với lãi suất hợp lý, Ngân hàng Trung ương có thể cho vay, tái cấp vốn cho các ngân hàng này. Quan trọng là Ngân hàng Nhà nước phải giám sát thật, áp dụng nghiêm túc kỷ luật trong vận hành hoạt động của cả hệ thống ngân hàng thương mại, không để cho các ngân hàng thương mại hoạt động thiếu nghiêm túc, làm phát sinh thêm nợ xấu. Điều kiện thiết yếu là các ngân hàng này phải cam kết thiết lập dự phòng trên các lợi nhuận phát sinh để trả lại cho các chủ tài khoản các số tiền đã biến thành nợ xấu.

Tóm lại, vẫn có giải pháp để xử lý dứt điểm nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại nhưng có làm được hay không lại phụ thuộc vào nhân sự, chính sách, các vấn đề tiêu cực tham nhũng… Nợ xấu đang tồn tại ở hệ thống ngân hàng thương mại như những ung nhọt, có khả năng chuyển biến thành ung thư nên xem ra, chúng ta cũng không còn nhiều lựa chọn.

* Trích dẫn từ bản tin ''Ngân hàng có thể đổi nợ xấu nhất thành vốn góp'' đăng tải trên Thời báo kinh tế Việt Nam ngày 3/10/2016

  • Bùi Kiến Thành
Bạn đang đọc bài viết Ông Bùi Kiến Thành:Đổi nợ xấu thành cổ phần, quá lạ lùng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận