Phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam

14/12/2018, 02:44

TCDN -

Ngày 14/12/2018, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hệ thống tri thức về vận tải và logistics, Trường Đại học Bremens, Trường Cao đẳng Logistics Osnabrueck CHLB Đức tổ chức Hội thảo quốc tế: “Hội nhập quốc tế: Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam”.



Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh. Đến năm 2025, con số sẽ là 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiện cả nước có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics với 3 hình thức đào tạo là đại học/sau đại học và nghề, hiệp hội và doanh nghiệp.

GS.TS Đặng Đình Đào, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, bức tranh nguồn nhân lực logistics Việt Nam thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong lĩnh vực logistics Việt Nam năm 2017 là gần triệu 9 triệu người. Lao động chưa được đào tạo bài bản chuyên về logistics, có 54,7% qua đào tạo nhưng từ các ngành khác, 80% doanh nghiệp phải tự đào tạo.

Báo cáo logistics 2017 cho thấy, trong 15 năm tới, Việt Nam cần đào tạo 717.500 nhân sự logistics. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất tự thực hiện dịch vụ là 157.000 người; doanh nghiệp logistics là 177.532 người; doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics là 210.000 người.

Để phát triển nguồn nhân lực logistics đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về logistics và phát triển nguồn nhân lực logistics. Bên cạnh cải thiện môi trường logistics, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nguồn nhân lực logistics nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của thị trường logistics và cuộc cách mạng cộng nghiệp 4.0.

Các trường đại học, cao đẳng, khối đào tạo nghề cần có kế hoạch để thực hiện hiệu quả Quyết định số 200 QĐ/TTg, ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức về logistics cho đội ngũ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp trong các ngành, địa phương và vùng kinh tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức đào tạo nước ngoài tiến hành các dự án, khóa đào tạo logistics.

PV
Bạn đang đọc bài viết Phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận