Quản trị rủi ro của Công ty chứng khoán thông qua quản lý vốn - Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới

27/05/2019, 10:15

TCDN - Quản trị rủi ro (QTRR) hiện nay đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân tham gia trên thị trường chứng khoán (TTCK)

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc một số công ty chứng khoán (CtyCK) chạy theo lợi nhuận trong điều kiện TTCK Việt Nam còn non trẻ, năng lực và nhận thức về QTRR còn hạn chế đã làm an toàn tài chính của hệ thống các CtyCK suy giảm mạnh trong khủng hoảng. Điều này đã dẫn đến hàng loạt các vấn đề về an toàn tài chính như mất khả năng thanh khoản, vô hiệu hóa bộ máy kiểm soát… khiến nhiều CtyCK trên bờ vực phá sản. Hoạt động tái cấu trúc các CtyCK gặp nhiều khó khăn chính vì hậu quả của việc chưa coi trọng đúng mức QTRR. Bài viết này sẽ giới thiệu một số kinh nghiệm về tăng cường QTRR tại CtyCK thông qua nâng cao hiệu quả quản lý vốn ở một số nước trên thế giới, từ đó đưa ra một số gợi ý đối với Việt Nam.


Kinh nghiệm của Mỹ


Theo pháp luật Hoa Kỳ, hệ thống CtyCK được chia thành hai loại hình tổ chức chủ yếu. Thứ nhấtcác công ty môi giới chứng khoán hoạt động chủ yếu trên thị trường thứ cấp với vai trò là nhà môi giới hoặc nhà giao dịch chứng khoán và có thể chia thành các loại hình như sau:
  • Các công ty môi giới chứng khoán tầm quốc gia, là thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) NewYork, thường cung cấp các sản phẩm đầu tư cả gói, là những tổ chức hàng đầu tạo ra các sản phẩm mới trên thị trường.
  • Các công ty môi giới chứng khoán tầm khu vực cũng là thành viên của SGDCK NewYork nhưng họ thường là những công ty có quy mô nhỏ hơn, trụ sở chính thường nằm bên ngoài thành phố NewYork, có xu hướng tập trung tạo lập thị trường cho những công ty nằm trên địa bàn mà công ty đó đóng trụ sở.
  • Các công ty môi giới tập trung vào những cổ phiếu giá thấp (penny stock), phục vụ các nhà đầu tư cũng như tham gia giao dịch với những cổ phiếu có độ rủi ro cao, thị giá thấp dưới 5 USD/cổ phiếu.
  • Các công ty chuyên phục vụ các định chế. Đối tượng khách hàng của các công ty này là những định chế tài chính lớn như các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư quản lý những lượng vốn đầu tư lớn.
  • Các công ty lập kế hoạch tài chính. Đối tượng khách hàng chủ yếu của loại hình công ty này là những cá nhân có tài sản lớn, họ quan tâm đến việc thiết kế một phương án đầu tư dài hạn, chi tiết và bài bản với những mục tiêu cụ thể liên quan đến toàn bộ khối tài sản của họ.
Thứ hai là các ngân hàng đầu tư hoạt động chủ yếu trên thị trường sơ cấp với nhiệm vụ chính là giúp các doanh nghiệp, Chính phủ thực hiện các đợt phát hành chứng khoán để huy động vốn phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Các nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu của ngân hàng đầu tư gồm: ngân hàng đầu tư, đầu tư, nghiên cứu, ngân hàng bán buôn, quản lý đầu tư.

Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) ban hành những quy định về an toàn vốn đối với các CtyCK nhằm đảm bảo an toàn cho thị trường. Vốn thuần của các CtyCK phải đạt một mức độ nhất định hoặc tỷ lệ nhất định so với tổng nợ hoặc nghĩa vụ nợ của công ty. Cụ thể:

Vốn thuần của CtyCK được xác định bằng tổng vốn cổ đông theo chuẩn mực kế toán chung cộng các khoản tín dụng, nợ thứ cấp trừ đi giá trị các tài sản thanh khoản thấp, các khoản phải thu không bảo đảm, chi phí hoạt động, mức chiết khấu theo vị thế đầu tư và kinh doanh của công ty. CtyCK có thể lựa chọn mức vốn thuần cần đảm bảo theo một trong hai phương thức so sánh sau:

+ Với các CtyCK có quy mô nhỏ, những công ty chủ yếu thực hiện giao dịch theo yêu cầu của khách hàng, khoản phải thu từ khách hàng không nhiều, thì mức vốn thuần phải đảm bảo duy trì tối thiểu là 250.000 USD hoặc lớn hơn 6,67% tổng nợ của công ty. Điều đó có nghĩa là tỷ số giữa tổng nợ và vốn thuần của CtyCK tối đa có thể tới 15 lần.

+ Với các CtyCK lớn, thường áp dụng phương thức mà theo đó vốn thuần tối thiểu là 250.000 USD hoặc lớn hơn 2% tổng các khoản phải thu của khách hàng hoặc lớn hơn 4% tổng quỹ đầu tư của khách hàng nếu CtyCK còn là thành viên của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai. Đối với các CtyCK mới thành lập thì tỷ lệ vốn thuần trên tổng nợ của công ty sau năm đầu tiên hoạt động phải đảm bảo từ 12,5% trở lên.

Các quy định an toàn vốn chỉ có phạm vi điều chỉnh đối với các công ty con được cấp phép của ngân hàng đầu tư hoặc CtyCK mà không áp dụng cho toàn bộ các hoạt động của công ty. Các công ty được cấp phép là các công ty có giấy phép thực hiện giao dịch trên TTCK cho khách hàng.

CtyCK sẽ rơi vào trạng thái bị cảnh báo theo quy định của SEC và các tổ chức có chức năng tự quản (SRO) như Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán, các SGDCK quốc gia khi hệ số tổng nợ trên vốn thuần lớn hơn 12 lần hoặc tỷ lệ vốn thuần trên các khoản phải thu của khách hàng dưới 5% hoặc vốn thuần dưới mức 120% so với mức vốn tối thiểu.

Kinh nghiệm của Thái Lan

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các CtyCK Thái Lan được thực hiện một hoặc một số nghiệp vụ kinh doanh được Bộ Tài chính cho phép như: Môi giới chứng khoán; Giao dịch ngoài SGDCK; Dịch vụ tư vấn đầu tư; Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Quản lý quỹ tương hỗ; Quản lý quỹ cá nhân; Các hoạt động khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong đó, hoạt động giao dịch chứng khoán tự doanh của CtyCK không được thực hiện qua hệ thống giao dịch của SGDCK mà phải thực hiện ngoài SGDCK hoặc trên thị trường phi tập trung. CtyCK cung cấp các dịch vụ về chứng khoán và giao dịch chứng khoán bao gồm cả hoạt động quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư, tức là không có sự phân tách giữa CtyCK và công ty quản lý quỹ.

Hoạt động QTRR của CtyCK cũng được thực hiện thông qua quản lý vốn. CtyCK mới thành lập phải có vốn ban đầu là 100 triệu Baht (tương đương 3 triệu USD), CtyCK kinh doanh trên TTCK phái sinh có vốn ban đầu là 25 triệu Baht (khoảng 0,75 triệu USD), hoạt động tư vấn và quản lý quỹ là 20 triệu Baht (dưới 0,60 triệu USD). Công ty phải duy trì tỷ lệ vốn thuần (net capital) so với tổng nợ trên 7%, đồng thời phải có số vốn khả dụng tối thiểu là 15 triệu Baht (khoảng 0,45 triệu USD) hoặc 25 triệu Baht (khoảng 0,75 triệu USD) nếu thực hiện cả kinh doanh chứng khoán và chứng khoán phái sinh;

Công ty phải thực hiện báo cáo UBCK Thái Lan (Thai SEC) về vốn khả dụng hàng tháng (14 ngày sau khi tháng kết thúc), báo cáo tài chính có kiểm toán bán niên và kiểm toán năm; báo cáo hàng tháng về tài sản khách hàng và các khoản cho vay giao dịch ký quỹ;

Trên thực tế, rất ít khi mức vốn của các CtyCK Thái Lan xuống thấp hơn 1,5 lần mức quy định tối thiểu, phần lớn vì các công ty này không thực hiện tự doanh hay tạo lập thị trường, và hạn chế trong hoạt động bảo lãnh phát hành. Các giao dịch chứng khoán phái sinh trên thị trường cũng rất hạn chế.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Việc thành lập và tổ chức hoạt độngcủa các CtyCK trên TTCK Trung Quốc được điều chỉnh trực tiếp bởi Luật Chứng khoán Trung Quốc năm 1998, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2004, Luật Công ty và các quy định của Ủy ban Giám quản Chứng khoán Trung Quốc (CSRC).

Về mô hình hoạt động và nghiệp vụ kinh doanh, CtyCK trên thị trường Trung Quốc được chia thành hai loại cơ bản là CtyCK tổng hợp và CtyCK chuyên thực hiện nghiệp vụ môi giới. Công ty tổng hợp có thể kinh doanh các nghiệp vụ chứng khoán sau: Nghiệp vụ môi giới chứng khoán; Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán; Nghiệp vụ bảo lãnh chứng khoán; Các nghiệp vụ chứng khoán khác được cơ quan giám quản chứng khoán của Quốc vụ viện phê duyệt.

Về quản lý vốn và QTRR trong hoạt động của CtyCK. Đối với CtyCK đa năng, muốn được thành lập phải có đủ các điều kiện sau: Mức thấp nhất của vốn đăng ký là 500 triệu Nhân dân tệ - NDT (tương đương 85 triệu USD); Nhân viên quản lý chính và nhân viên nghiệp vụ phải có tư cách hành nghề chứng khoán; Có địa điểm kinh doanh cố định và thiết bị giao dịch đủ tiêu chuẩn; Có chế độ quản lý hoàn chỉnh, có hệ thống quản lý nghiệp vụ tự doanh và nghiệp vụ môi giới hợp lý.

Đối với CtyCK chuyên thực hiện nghiệp vụ môi giới, mức vốn đăng ký thấp nhất của công ty môi giới chứng khoán là 50 triệu NDT (tương đương 8,5 triệu USD); Cán bộ quản lý chủ chốt và nhân viên nghiệp vụ phải có tư cách hành nghề chứng khoán; Có địa điểm kinh doanh cố định và thiết bị giao dịch đủ tiêu chuẩn; Có chế độ quản lý hoàn chỉnh.

Các CtyCK phải chịu sự giám sát hoạt động, thực hiện QTRR theo quy định của quy chế giảm thiểu rủi ro và quy chế giám sát CtyCK do Ủy ban Giám quản Chứng khoán Trung Quốc ban hành. CtyCK hàng năm trích ra một khoản từ lợi nhuận sau thuế thành lập quỹ phòng ngừa rủi ro giao dịch dùng để bù vào các tổn thất giao dịch chứng khoán, tỷ lệ trích cụ thể do cơ quan giám quản chứng khoán của Quốc vụ viện quy định.

Một số bài học cho các CTCK Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm về phát triển CtyCK ở những TTCK phát triển như TTCK Mỹ, những TTCK mới nổi như TTCK Thái Lan, TTCK Trung Quốc có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu về quản lý vốn của CtyCK như sau:

Thứ nhất, CtyCK là một chủ thể có vai trò quan trọng, đặc thù đối với hoạt động và sự phát triển của TTCK. Đây cũng là một tổ chức kinh doanh có điều kiện, trong đó điều kiện về vốn pháp định luôn được đặt lên hàng đầu và đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo an toàn tài chính cho các công ty cũng như toàn thị trường.

Tại Việt Nam, Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 quy định: một CtyCK nếu muốn hoạt động đầy đủ cả 4 nghiệp vụ: môi giới (25 tỷ đồng), tự doanh (100 tỷ đồng), bảo lãnh phát hành (165 tỷ đồng), tư vấn đầu tư (10 tỷ đồng) sẽ phải có vốn pháp định 300 tỷ đồng. So với thời điểm Luật Chứng khoán đầu tiên của Việt Nam có hiệu lực thi hành, quy định vốn pháp định này tăng 6 lần, góp phần nâng cao năng lực tài chính của các CtyCK. Tuy nhiên, nếu so với một số CtyCK quy mô trung bình ở một số TTCK trong khu vực như trên thị trường Thái Lan, thị trường Đài Loan, thị trường Hàn Quốc hay thị trường Trung Quốc thì mức vốn pháp định của các CtyCK Việt Nam cũng ở mức rất thấp.


Chính vì vậy, năng lực tài chính của các CtyCK Việt Nam chưa mạnh, chưa đáp ứng tốt nhu cầu mở rộng các dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tài chính của công ty cho thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là những rủi ro tài chính. Bảng 2 cho thấy, gần 70% các CtyCK có quy mô vốn chủ sở hữu dưới 300 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD) và đặc biệt là số lượng các công ty này có xu hướng gia tăng qua các năm. Số lượng CtyCK có mức vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng chiếm chưa đầy 10%, trong số đó chỉ có duy nhất 1 CtyCK Sài Gòn có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng (khoảng 250 triệu USD) trong hai năm trở lại đây. Do đó, để nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của CtyCK trên thị trường cũng như an toàn tài chính của công ty, quy định về vốn pháp định hiện nay của CtyCK cũng cần được cân nhắc lại.


Thứ hai, cần có hệ thống cảnh báo sớm khi các CtyCK không đảm bảo đầy đủ mức vốn pháp định. Thực tế tại Việt Nam, trong năm 2012, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm hướng dẫn các tổ chức kinh doanh chứng khoán xác định các giá trị rủi ro trong toàn bộ hoạt động, để từ đó thấy được nguy cơ rủi ro và có biện pháp chủ động xử lý trước khi xảy ra thiệt hại thực tế, đảm bảo mức vốn khả dụng theo quy định. CtyCK sẽ rơi vào nhóm kiểm soát nếu có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ lũy kế từ 30% đến 50% vốn điều lệ; và rơi vào nhóm kiểm soát đặc biệt nếu có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ. Đã có nhiều ý kiến xung quanh chỉ tiêu đánh giá trong Thông tư này, thay vì tính an toàn vốn dựa trên vốn điều lệ của công ty, UBCKNN nên quy định cách tính chỉ tiêu này dựa trên vốn chủ sở hữu vì như vậy mới phản ánh đúng năng lực tài chính của CtyCK.

Thứ ba, cần có sự giám sát chặt chẽ việc tuân thủ mức vốn pháp định của các CtyCK. UBCKNN cần phải đưa ra những chế tài nghiêm khắc nhằm xử phạt những công ty không tuân thủ quy định của pháp luật. Năm 2012, UBCKNN đã đặt 11 CtyCK vào diện kiểm soát đặc biệt, 3 CtyCK vào diện kiểm soát; 4 CtyCK rút nghiệp vụ môi giới, 1 CtyCK rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, 2 CtyCK rút nghiệp vụ tự doanh, 3 CtyCK bị đình chỉ hoạt động và 4 CtyCK bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán. Tuy nhiên, do tính tuân thủ của các CtyCK còn hạn chế và một số lỗ hổng của quy định về chế độ kế toán đối với CtyCK vẫn chậm được khắc phục, nên vẫn còn nhiều CtyCK yếu kém đang tồn tại. Nói cách khác, ở phương diện xử lý hành chính, UBCKNN chỉ có thể “phạt” CtyCK khi vi phạm các quy định về an toàn tài chính, mà chưa có các biện pháp kịp thời và hữu hiệu trong xử lý trường hợp vi phạm các nguyên tắc khác về QTRR.

Vì hạn chế nêu trên, chặng đường tái cơ cấu khối CtyCK trong năm 2012 chưa đạt được kết quả như mong muốn. UBCKNN đã có những động thái thể hiện tư duy mới trong QTRR CtyCK, được cụ thể hóa tại Thông tư 165/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư 226/2010; Thông tư 210/2012 hướng dẫn thành lập và hoạt động CtyCK, có hiệu lực từ ngày 15/1/2013 và sắp tới là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Theo đó, thị trường đang mong đợi năm 2013 vẽ cơ bản sẽ xử lý xong các CtyCK yếu kém, như mục tiêu mà UBCKNN đã đề ra./.

PGS.TS Tô Kim Ngọc - ThS. Trần Thị Xuân Anh - Tạp chí TCDN số 5/2019
Bạn đang đọc bài viết Quản trị rủi ro của Công ty chứng khoán thông qua quản lý vốn - Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận