Sau gần 1 năm, đã xử lý 100.500 tỷ đồng nợ xấu

25/05/2018, 02:30

TCDN - 9 tháng đầu tiên trong hành trình 5 năm xử lý nợ xấu, 1/6 số nợ xấu đã được xử lý. Trong suốt hơn 6 năm qua, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu với gần 40% là xử lý qua bán nợ.

Phần lớn nợ xử lý trong năm 2017 là nhờ thu về từ khách hàng

Báo cáo các đại biểu Quốc hội về tình hình triển khai công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 3/2018 khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã xử lý được 100.500 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ xấu được xử lý năm 2017 đạt 115.540 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong số nợ xấu xử lý là khách hàng trả nợ (35.190 tỷ đồng). Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch HĐTV VAMC, ý thức trả nợ của khách hàng đã tốt lên rất nhiều sau khi Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành gần một năm trước. "Nếu như trước đây, khi làm việc với khách hàng có nợ xấu do sản xuất kinh doanh khó khăn, cứ 10 khách hàng thì chỉ được 1-2 khách thiện chí nhưng với việc có một số hành lang pháp lý trong việc thu giữ tài sản có khách hàng mới nhận giấy mời lên làm việc đã phải đem tiền đến trả", ông Đông cho hay. Bên cạnh sự thay đổi tư duy về việc nợ xấu, nguyên nhân khách quan sự hồi phục của nền kinh tế, thị trường bất động sản… cũng giúp đẩy nhanh tốc độ nợ xấu bởi giai đoạn trước đây các ngân hàng cũng không thể “nắm tóc kẻ trọc đầu”.

Ngoài thu từ chính khách hàng, các ngân hàng còn bán cho các tổ chức, cá nhân 32.700 tỷ đồng nợ xấu trong đó riêng bán nợ cho VAMC là 31.600 tỷ đồng; tự trích lập dự phòng rủi ro 28.450 tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm 2.500 tỷ đồng.

Tính từ năm 2012 đến hết tháng 3/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 454,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 60,3%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 39,7%.

Trong một năm qua, NHNN đã ban hành chính sách đồng bộ để tiếp tục giảm nợ xấu, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của VAMC. Tháng 6/2017, NHNN đã có công văn số 051/NHNN-PC gửi Bộ Tư pháp đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết Nghị quyết số 42. Đến nay về cơ bản các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 theo thẩm quyền được giao. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 42, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn triển khai quy định

Cơ cấu lại các TCTD: ‘Rốt ráo’ toàn hệ thống, ¾ ngân hàng có vốn nhà nước đã được phê duyệt phương án

Các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD.

Các NHTMNN tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; tăng cường năng lực tài chính, đồng thời từng bước giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nhưng bảo đảm Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại các NHTMNN sau cổ phần hóa theo đúng định hướng của Nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn theo các định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của NHNN.

NHNN đã có văn bản hướng dẫn các TCTD (theo từng nhóm, loại hình TCTD) xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, chỉ đạo từng TCTD chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện phương án nhằm bảo đảm khắc phục, xử lý triệt để những tồn tại, hạn chế theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Quyết định 1058. Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của 3/4 ngân hàng có vốn nhà nước.

Theo báo cáo của NHNN, các ngân hàng có vốn nhà nước đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu;tăng cường năng lực tài chính, đồng thời từng bước giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nhưng bảo đảm Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại các NHTMNN sau cổ phần hóa theo đúng định hướng của Nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn theo các định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của NHNN.

Các ngân hàng TMCP tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Các ngân hàng đã tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính; nợ xấu được các ngân hàng tập trung xử lý và tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, lành mạnh hơn, giảm dần và hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro; tích cực phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác và mở rộng dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.

Đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á, đến nay mặc dù vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn nhưng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Hiện nay, NHNN đã hoàn thiện phương án xử lý các ngân hàng này và đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trên cơ sở Luật các TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

Không chỉ các ngân hàng trong nước, các TCTD nước ngoài cũng đã khẩn trương xây dựng Phương án cơ cấu lại theo các giải pháp nêu tại Đề án 1058 và hướng dẫn của NHNN để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đến nay, NHNN đã có văn bản phê duyệt Phương án cơ cấu lại của 09/10 ngân hàng nước ngoài và liên doanh.

Các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính tích cực xây dựng các phương án cơ cấu lại theo các giải pháp của Đề án 1058 để nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh và phù hợp với đặc thù hoạt động của loại hình TCTD phi ngân hàng. Hiện, NHNN đang chỉ đạo các TCTD này rà soát lại phương án để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm tính kế thừa đồng thời phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc cơ cấu lại của Đề án giai đoạn 2016-2020.
Theo NDH.vn

Bạn đang đọc bài viết Sau gần 1 năm, đã xử lý 100.500 tỷ đồng nợ xấu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận