Sửa Bộ luật Lao động: Không để tình trạng chưa ban hành đã vướng

13/08/2018, 10:37

TCDN -

Bộ luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lấy ý kiến để hoàn thiện, xin ý kiến toàn dân vào tháng 9 tới. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất bộ luật cần hướng đến là phải thực chất đi vào cuộc sống, tránh chưa ban hành đã vướng.
ld
Bộ luật Lao động (sửa đổi) có liên quan đến nhiều đối tượng nên cần đánh giá tác động kỹ. Ảnh minh họa: Mai Đan.

Xem xét mở rộng đối tượng

Nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc sửa đổi bộ luật, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong gần 5 năm qua bộ luật đã phát sinh một số vấn đề về hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, kỷ luật lao động… mà chỉ có sửa đổi toàn bộ mới khắc phục được, chứ không thể giải quyết bằng các nghị định, thông tư.

Về cơ bản, bộ luật sửa đổi vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, lần này bộ luật cũng nghiên cứu bổ sung những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động, nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường trong bối cảnh mới.

Theo ông Bốn, việc sửa đổi lần này đang xem xét hướng đến việc điều chỉnh một số nhóm đối tượng mới trong khu vực phi chính thức như tài xế uber, grab do tác động của cách mạng 4.0. “Diện bao phủ phải mở rộng để đảm bảo quyền lợi của người lao động, với những quan hệ mới nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh sẽ lỗi thời” - ông Bốn cho biết.

Song song với việc sửa đổi, bộ luật xác định phải có hiệu lực ít nhất từ năm 2021. Vì vậy, ông Bốn cho rằng, từ nay đến khi có hiệu lực vẫn phải tiến hành đồng thời sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến Bộ luật Lao động.

Bộ luật phải đi vào cuộc sống

Góp ý về dự thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, điều thực chất mà luật cần đạt được là phải đi vào cuộc sống, bởi vì thực tế có những nội dung sau nhiều năm không đi vào cuộc sống nên không phát huy hiệu quả.

Đối với vấn đề mở rộng đối tượng điều chỉnh ở khu vực phi chính thức, cần đánh giá tác động của chính sách để vừa bảo vệ được người lao động khu vực này nhưng vừa tạo được sự cân bằng. Theo ông Huân, nền kinh tế của nước ta hiện vẫn còn trên 50% là kinh tế phi chính thức, kể cả các nước phát triển thì vai trò của kinh tế phi chính thức cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn được.

Do đó, nếu áp dụng hoàn toàn các tiêu chí của khu vực có quan hệ lao động sang khu vực kinh tế phi chính thức thì sẽ cứng nhắc, vì ở khu vực này cơ chế là vẫn đang thỏa thuận để giải quyết việc làm, thu nhập. “Các vấn đề đưa ra tại dự thảo bộ luật sửa đổi thì rất cụ thể, nhưng khi đưa ra trình Quốc hội thì phải nhìn tổng thể. Thị trường lao động của chúng ta vẫn còn một nửa bị luật bỏ ngoài lề. Đây là những "bài toán" phải suy nghĩ” - ông Huân nói.

Cũng theo ông Huân, đây là một bộ luật lớn, tác động đến nhiều đối tượng, có liên quan đến nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật, do đó cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động và có lộ trình phù hợp để đảm bảo tính khả thi.

Ở góc độ tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, một trong những chính sách lớn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay là đối thoại và thương lượng thỏa ước lao động tập thể song lại chưa được đề cập trong dự thảo.

Do đó, ông Quảng cho rằng, vấn đề cần được xem xét bổ sung, bởi vì chính sách trên là quan trọng trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

“Bộ luật phải xác định đây là chính sách lớn để xem xét sửa đổi, thì mới đạt được mục tiêu đề ra lần này là giải quyết những bất cập trong thực tiễn, tuân theo Hiến pháp năm 2013 cũng như sự đồng bộ giữa các luật khác và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia” - ông Quảng nhấn mạnh./.

Theo thoibaotaichinh.vn
Bạn đang đọc bài viết Sửa Bộ luật Lao động: Không để tình trạng chưa ban hành đã vướng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận