Sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC: Minh bạch và thuận tiện các quy định về trị giá hải quan

27/05/2019, 10:05

TCDN - Qua một năm thực hiện Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC đã phát sinh một số vướng mắc hoặc có một số nội dung không còn phù hợp với thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hai văn bản pháp luật này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC, cơ quan Hải quan cũng đã ghi nhận một số vướng mắc của doanh nghiệp, cũng như hải quan địa phương. Chẳng hạn vấn đề kiểm hóa hộ, đại diện Công ty Frit Huế cho biết, Công ty có những lô hàng xuất khẩu đi Indonesia với số lượng lớn, mỗi đợt 15-20 container. Việc bốc hàng phải tiến hành nhiều ngày. Tuy nhiên, nếu tờ khai rơi vào luồng Đỏ (tờ khai mở vào ngày bốc hàng cuối cùng do khi đó mới có số container chính xác từ hãng tàu) thì các container hàng đã kéo vào cảng Tiên Sa-Đà Nẵng trước đó phải làm thủ tục vận chuyển lại Chi cục Hải quan Thủy An để kiểm hóa, do không được kiểm hóa hộ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng (Pv-thực hiện theo Thông tư 39/2018/TT-BTC), điều này gây tốn kém chi phí, thời gian cho DN. Chính vì vậy, DN đề nghị tháo gỡ vướng mắc trên. 



Về vấn đề này Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã phản ánh vướng mắc như sau: Thông thường thành phẩm của các doanh nghiệp sản xuất đề tập kết gửi tại các kho ở TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu tại cảng Cát Lái, cảng VICT… đối với các lô hàng xuất đi các thị trường có yêu cầu chiếu xạ, doanh nghiệp đều phải tập kết hàng tại các kho lạnh ở Binh Dương và TP Hồ Chí Minh do chỉ có hai tỉnh này có xưởng chiếu xạ, nếu bị xếp vào luồng Đỏ và không được kiểm hóa hộ, doanh nghiệp phải đưa hàng trở lại cơ quan Hải quan nơi đăng kí tờ khai để kiểm tra thực tế, sau đó lại đưa hàng về TP Hồ Chí Minh để xuất hàng, tốn kém thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Liên quan đến thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BTC, thời quan qua, Tổng cục Hải quan cũng đã ghi nhận được một số vướng mắc về quy định hủy tờ khai do trùng thông tin tờ khai; khai, nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử; cấp số quản lý hàng hóa; hàng hóa của nhiều tờ khai xuất khẩu đóng chung container; khai bổ sung lượng hàng sau khi đưa hàng qua khu vực giám sát; thông báo kết quả hủy tờ khai; thủ tục vận chuyển độc lập đối với hàng bưu chính…

Ngoài ra, một số vướng mắc như: Tách vận đơn để hệ thống tự động kiểm tra không cho phép khai trùng tờ khai hải quan; khai, nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử; cấp số quản lý hàng hóa… đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý.

Theo Cục trưởng Cục Thuế XNK Lưu Mạnh Tưởng, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC, việc sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC với mục đích sửa đổi các quy định về xác định trị giá hải quan để thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, giúp cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp minh bạch, đơn giản, công khai và thuận tiện trong thực hiện các quy định về trị giá hải quan. Bên cạnh đó còn đáp ứng nhu cầu về quản lý, chống gian lận thương mại. Vì vậy, qua quá trình rà soát các nội dung vướng mắc và thực hiện lấy ý kiến lần 1 hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu đã sửa đổi 17 Điều tại Thông tư 39/2015/TT-BTC, xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi với 4 nội dung sửa đổi quan trọng trong dự thảo là: sửa đổi số khái niệm và quyền, nghĩa vụ của cơ quan Hải quan trong xác định trị giá hải quan; sửa đổi về nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan; sửa đổi phương pháp xác định trị giá hải quan và sửa đổi về cơ sở dữ liệu, tiêu chí xây dựng, bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá.

Đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu cũng nhấn mạnh, dự thảo Thông tư này sẽ được Bộ Tài chính ký ban hành trong tháng 6/2019, trong tháng 5 sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, buổi họp trực tuyến này để một lần nữa lắng nghe các ý kiến góp ý của hải quan địa phương cũng như các đơn vị liên quan để Cục Thuế xuất nhập khẩu hoàn chỉnh dự thảo Thông tư sửa đổi để trình Bộ Tài chính.

hải quan một số tỉnh thành phố cho rằng, dự thảo Thông tư đã đưa được những vướng mắc, bất cập hiện nay để sửa đổi theo hướng rõ ràng, minh bạch và thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện công tác xác định trị giá hải quan. Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý cũng tập trung nhiều vào việc quy định thêm và rõ hơn đối với một số khái niệm: “điều kiện mua bán”, “cùng cấp độ số lượng”, “hàng tương tự”…

Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý tập trung vào một số nội dung: quy định về phương pháp xác định trị giá hải quan đối với phần mềm; các khoản điều chỉnh cộng và tiền bản quyền, chi phí giấy phép; phương pháp xác định trị giá hải quan đối với phương pháp xác định trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự, hàng hóa có mối quan hệ đặc biệt; việc xác định trị giá đối với một số trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu đặc thù như hàng tiêu hủy, hàng chuyển phát nhanh...

Góp ý về việc tính trị giá đối với hàng chuyển phát nhanh, theo đại diện Cục Hải quan TPHCM, ban soạn thảo cần cân nhắc việc quy định tính trị giá hải quan đối với hàng hóa chuyển phát nhanh dựa trên khai báo của doanh nghiệp chuyển phát nhanh tại biên lai thanh toán, bởi hàng hóa chuyển phát nhanh hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp chuyển phát nhanh khai hộ, trong trị giá hàng hóa còn có cước phí bảo hiểm, vì vậy không chỉ đơn thuần căn cứ trên biên lai để tính trị giá hải quan của hàng chuyển phát nhanh. Đại diện này nhấn mạnh, hàng hóa chuyển phát nhanh chỉ nên ưu tiên về thủ tục hải quan, còn chính sách mặt hàng thì loại hình này cũng phải áp dụng như các loại hình khác.

Đối với quy định tính trị giá hải quan đối với phần mềm nhập khẩu, một số ý kiến hải quan địa phương cho rằng, dự thảo Thông tư cần nghiên cứu thêm quy định với những trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị với những phần mềm đã được nhập khẩu trước đó, những phần mềm của doanh nghiệp khác đã nhập khẩu, phần mềm do doanh nghiệp trong nước viết hoặc trường hợp nâng cấp phần mềm đã sử dụng trước đó...

Để giải quyết triệt để các vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đang đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội doanh nghiệp tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC để nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi.


Phương Linh - Tạp chí TCDN số 5/2019
Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC: Minh bạch và thuận tiện các quy định về trị giá hải quan tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận