Thanh tra tại PVTex cho thấy có dấu hiệu "cố ý làm trái"

27/11/2016, 10:46

TCDN - Kết quả thanh tra chỉ rõ những vi phạm về góp vốn, chuyển nhượng vốn, thực hiện đầu tư và xây dựng dự án chủ đầu tư PVTex.



Ngày 14/11, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex).

Kết quả thanh tra chỉ rõ những vi phạm về góp vốn, chuyển nhượng vốn, thực hiện đầu tư và xây dựng dự án chủ đầu tư PVTex.

Cụ thể, ngày 14/3/2008, PVTex có 5 cổ đông sáng lập, vốn góp 160 tỷ đồng: PVN góp 62,4 tỷ đồng (39%), Vinatex góp 22,4 tỷ đồng (14%), Tổng CTCP Phong Phú góp 8 tỷ đồng (5%), Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí góp 16 tỷ đồng (10%), CTCP Sản xuất kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam 3,2 tỷ đồng (2%) và một số cổ đông khác.

Quá trình thực hiện, một số cổ đông đề nghị rút vốn. Ngày 2/7/2009, Đại hôi đồng cổ đông PVtex phê duyệt tăng vốn góp của PVN từ 39% lên 56% và đồng ý thoái vốn của 6 cổ đông với tỷ lệ 17%.

Năm 2011, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí. Năm 2014, Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho PVN.

Tính đến ngày 31/12/2014, vốn của PVN tại PVTex là 1.602 tỷ đồng (74,005%), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP là 562 tỷ đồng (25,99%), ông Phan Anh Tuấn là 100 triệu đồng (0,05%) được bổ sung sau khi Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú thoái vốn.

PVN mua cổ phần với mệnh giá ban đầu là 10.000 đồng/cổ phần, trong khi dự án đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, PVTex lỗ 1.472 tỷ đồng ngoài phương án tài chính của dự án. PVN phải gánh trách nhiệm lỗ hơn 278 tỷ đồng của Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú.

Theo quy định, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Vinatex phải góp đủ vốn nhưng Vinatex chỉ góp vốn theo thỏa thuận ngày 15/12/2009 với PVN. Trong đó, PVN cho Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú vay vốn tổng số tiền 311,6 tỷ đồng.

Đến ngày 27/12/2014, Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú chuyển toàn bộ cổ phần cho PVN. Khoản nợ vốn góp được khấu trừ cho PVN.

Theo quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012-2015, PVN phải giảm tỷ lệ góp vốn tại PVTex từ 56% xuống tối thiểu 36%. Nghị quyết của PVN và Bộ Công thương đồng ý cho Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú thoái vốn, làm tăng tỷ lệ vốn góp của PVN từ 56% lên 75% là chưa phù hợp.

Mặt khác, PVN và Vinatex không lập phương án, xác định thời điểm chuyển nhượng giá mua, giá bán trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Công thương là chủ sở hữu nhà nước tại PVN, Vinatex không thực hiện kiểm tra, giám sát chuyển nhượng vốn.

Hậu quả là PVN mua cổ phần với mệnh giá ban đầu là 10.000 đồng/cổ phần, trong khi dự án đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, PVTex lỗ 1.472 tỷ đồng ngoài phương án tài chính của dự án. PVN phải gánh trách nhiệm lỗ hơn 278 tỷ đồng của Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú.

Vinatex là tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may, thiếu trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ, không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư. PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại PVTex, trong quá trình chỉ đạo điều hành còn nhiều thiếu sót vi phạm, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát người đại diện vốn tại PVTex, nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú không đúng quy định.

Thanh tra chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định.

HĐQT và Tổng giám đốc PVTex phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công tổng mức đầu tư khi không tổ chức thẩm định. Phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chi phí vốn lưu động, tăng sai một số khoản chi phí trị giá 38.742.310 USD; không thẩm định kế hoạch đấu thầu, phân chia dự án tành các gói thầu thiếu cơ sở, hồ sơ mời thầu không dủ cơ sở…

Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC, PVTex không đăng tải thông tin kết quả, phê duyệt kết quả đấu thầu, giá dề nghị trúng thầu vượt giá gói thầu…

Kết quả thanh tra cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư dự án có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãnh phí lớn vốn đầu tư.

Thanh tra chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định.

Thanh tra chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.


Theo Đầu tư chứng khoán

Bạn đang đọc bài viết Thanh tra tại PVTex cho thấy có dấu hiệu "cố ý làm trái" tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận