Thoái vốn nhà nước đã thực chất và đi vào chiều sâu?

06/11/2018, 02:05

TCDN - Tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dù không đạt kế hoạch về số lượng nhưng thoái vốn nhà nước đã đi vào thực chất và chiều sâu.


Sau 9 tháng năm 2018, các DN nhà nước đã thoái vốn được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng

Sáng nay (6/11), Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) - cho hay, nhìn chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DN nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ chế quản trị DN còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DN cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Dưới góc nhìn của một tổ chức bán vốn chuyên nghiệp, ông Lê Song Lai – Phó Tổng giám đốc Tổng Công tư Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – cho hay, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên nhìn chung quá trình thoái vốn nhà nước những năm gần đây có xu hướng diễn ra chậm, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, mặc dù không đạt kế hoạch về số lượng nhưng thoái vốn nhà nước đã đi vào thực chất và đi vào chiều sâu.

Ông Lai dẫn số liệu, trong năm 2017, cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ thành công của những thương vụ thoái vốn Sabeco và Vinamilk. Sau 9 tháng năm 2018, các DN nhà nước đã thoái vốn được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng thoái vốn diễn ra chậm, theo ông Lai, pháp luật còn chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì một văn bản duy nhất, cho dù ở cấp thông tư. Điều này dẫn đến việc tham chiếm, vận dụng, giải thích văn bản gặp không ít khó khăn. Cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc. Công tác lập kế hoạch thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành. Ngoài ra, còn những vướng mắc về phía DN là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối trên 51% tại DN, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước….

Còn có những vướng mắc từ phía đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước như mục tiêu bán vốn; sự khác biệt giữa quy định hiện hành về bán vốn nhà nước và thông lệ quốc tế; lựa chọn phương pháp xác định giá khởi điểm; trách nhiệm pháp lý của tổ chức thẩm định giá; các quy định về đặt cọc mua cổ phần; quy định về xử lý công nợ của DN trong quá trình bán vốn.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, ông Tiến cho hay, cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp về nhận thức; nhóm giải pháp về thể chế; nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện; nhóm giải pháp về quản trị DN; nhóm giải pháp về giám sát, kiểm tra, công khai, minh bạch.

Trong đó, liên quan đến nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện, ông Tiến cho hay, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu.

Các DN nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định 126/NĐ-CP ngày 16/11/2017….

Riêng về vấn đề thoái vốn, để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước hiệu quả cao, công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích nhà nước, ông Lai kiến nghị cơ quan chức năng bổ sung, sửa đổi một số quy định Nghị định 32/2018/ND-CP và Thông tư 59/2018/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 32 theo hướng hạ giá khởi điểm bán vốn, bổ sung hướng dẫn trong trường hợp đấu giá cả lô có nhiều nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau thì sẽ chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, nếu tiếp tục trả giá cao nhất bằng nhau thì sẽ cho bốc thăm để lựa chọn nhà đầu tư…

Cạnh đó, ông Lai đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật DN ngày 26/11/2014 theo hướng trường hợp bán đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh cổ phần thì không cần thiết phải lập thành hợp đồng chuyển nhược cổ phần. Đồng thời, quy định thời hạn cụ thể để công ty cổ phần phải thực hiện việc “ghi vào sổ đăng ký cổ đông” của công ty và quá thời hạn này công ty không thực hiện việc “ghi vào sổ đăng ký cổ đông” của công ty thì người nhận chuyển nhượng vẫn đương nhiên được coi là cổ đông của công ty…

Cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn việc thu hồi nợ theo hướng việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các DN….

LÊ HẬU

Liên quan đến tình hình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) - cho hay: Về công tác cổ phần hóa, năm 2016 đã cổ phần hóa 66 DN với tổng giá trị 40.206 tỷ đồng. Năm 2017, đã cổ phần hóa 69 DN, với tổng giá trị 365.963 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, có 10 DN được cấp có thẩm quyền được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó, có 2 DN thuộc danh sách cổ phần hóa năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/QĐ-TTg là Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp. Tổng giá trị DN của 10 DN là 29.524 tỷ đồng.

Về kế hoạch và tình hình thực hiện thoái vốn, theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 17/08/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN. Trong đó, năm 2017 thực hiện thoái tại 135 DN; năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 181 DN; năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 DN; năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 DN.

Ước giá trị các bộ, ngành, địa phương lớn phải thoái vốn như sau: Bộ Công Thương thực hiện thoái vốn tại 4 DN với tổng giá trị khoảng 16.800 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thoái vốn tại 8 DN với tổng giá trị khoảng 10.900 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai thoái khoảng 2.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Cổ phần phát triển Khu công nghiệp; Thành phố Hà Nội thoái khoảng 1.700 tỷ đồng tại 34 DN.

Kết quả tình hình thực hiện thoái vốn giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2018, cả nước đã thoái được 16463 tỷ đồng, thu về 154.306 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 thoái được 3.645 tỷ đồng, thu về 6.839 tỷ đồng; năm 2017 thoái được 9.046 tỷ đồng, thu về 138.327 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, các DN đã thoái được 3.772 tỷ đồng, thu về 9.140 tỷ đồng.

Theo SGTT
Bạn đang đọc bài viết Thoái vốn nhà nước đã thực chất và đi vào chiều sâu? tại chuyên mục Thoái vốn của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận