Thuế tài sản: Nghiên cứu chặt chẽ sẽ đảm bảo khả thi

14/12/2018, 10:50

TCDN - Tại hội thảo “Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam” diễn ra ngày 12/12, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết phải có chính sách thuế với tài sản.

Luật Thuế tài sản được kỳ vọng việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Luật Thuế tài sản được kỳ vọng việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Song phải được nghiên cứu căn cơ, chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi, đồng thuận. Bên lề hội thảo, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường về chủ đề này.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây, có nhiều ý kiến bình luận khác nhau về việc áp dụng thuế tài sản tại Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Thuế tài sản là loại thuế phổ biến trên thế giới. Việt Nam cũng từng có những sắc thuế liên quan đến tài sản, tuy nhiên chưa đồng bộ. Để thực hiện chiến lược về cải cách chính sách thu, chắc chắn chúng ta phải nghĩ đến việc thiết lập một luật thuế tài sản sao cho phù hợp, tương tự các nước trên thế giới và cũng để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra với Việt Nam. Do vậy, tôi cho rằng cần thiết phải nghiên cứu một cách căn cơ bài bản để ban hành luật thuế về tài sản. Nếu được nghiên cứu tốt, có cơ sở vững chắc, tôi hoàn toàn tin tưởng việc áp dụng thuế này sẽ khả thi.
PGS.TS Hoàng Văn Cường
PGS.TS Hoàng Văn Cường


PV: Theo ông, việc xây dựng và áp dụng thuế tài sản ở Việt Nam hiện có những khó khăn và thuận lợi gì?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Việc áp dụng chính sách thuế mới luôn khó khăn và đặc biệt là thuế tài sản càng khó khăn, vì thuế này tác động trực tiếp đến mọi người, nên không dễ tạo đồng tình trong xã hội. Khó khăn lớn nữa là cơ sở dữ liệu về nhà đất của chúng ta hiện không thống nhất, không được quản lý đầy đủ, đặc biệt là những cơ sở dữ liệu liên quan đến giá trị để xác định mức giá chịu thuế. Nếu chúng ta có hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tốt, công khai, đầy đủ thì việc áp dụng thuế sẽ thuận lợi.

Về mặt thuận lợi, đó là hiện nay rất nhiều ý kiến không đồng tình với hiện tượng bất bình đẳng trong sử dụng tài nguyên, đất đai. Có những người sở hữu quá nhiều nhà đất, trong khi nhiều người khó khăn về nhà ở; hay với chính sách miễn thuế đất nông nghiệp, nhiều người giữ đất nông nghiệp và bỏ hoang, trong khi nhiều người khác muốn có đất đai để sản xuất thì không có, khiến nguồn lực đất đai không được sử dụng hiệu quả. Do đó, nếu có luật này sẽ tạo được sự đồng tình về khía cạnh tăng tính công bằng.

Hơn nữa, ở Việt Nam, giá tài sản như nhà đất có thể thay đổi rất nhanh, do đó thuế tài sản với nhà đất sẽ tác động tốt để tạo sự bình ổn hơn về giá cả. Ngoài ra, thu thuế cũng tạo nguồn cho ngân sách để đầu tư trở lại cho cơ sở hạ tầng, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Với những ý nghĩa như vậy, nếu chúng ta truyền thông tốt, để người dân thấy được bản chất thực sự về hiệu quả, về công bằng xã hội thì sẽ nhận được đồng thuận của xã hội để triển khai.

PV: Một số ý kiến cũng đề cập đến các mục tiêu khác của việc đánh thuế tài sản như là phòng chống tham nhũng, chống đầu cơ bất động sản, tăng tính tự chủ của địa phương… Ông bình luận gì về các mục tiêu này? Theo ông, đâu là mục tiêu quan trọng?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Mục tiêu thì có rất nhiều, nhưng phải thấy rằng mục tiêu lớn nhất của thuế với tài sản là nhà đất không phải để nhằm tăng thu ngân sách mà nhằm giải quyết vấn đề về công bằng xã hội, về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên không tái tạo được của quốc gia.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy có sự bức xúc về tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai. Do đó, có thể nói thuế tài sản là một yếu tố góp phần phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng không thể chỉ dùng mỗi thuế tài sản để kiểm soát tham nhũng, mà còn phải sử dụng cùng lúc nhiều công cụ khác nữa.

Với thị trường bất động sản, thuế tài sản, như tôi đã nói, chắc chắn sẽ có tác động đáng kể. Đặc biệt, nếu chúng ta đánh thuế tài sản theo hình thức luỹ tiến, theo quy mô sở hữu của nhà hoặc đất, thì có thể đến một mức nào đó, người có xu hướng đầu cơ sẽ phải tính toán lại việc đầu cơ hay đầu tư vào việc khác. Hiện có xu hướng phổ biến là người có tiền chưa dùng vào việc gì thì mua bất động sản để chờ tăng giá, nay với thuế tài sản họ sẽ phải tính toán lại. Điều này thực ra sẽ có tác động tích cực, tránh tình trạng thu gom, đầu cơ bất động sản, thổi giá, giúp giá cả thị trường bất động sản ổn định hơn.

PV: Một khuyến cáo của nhóm nghiên cứu về thuế tài sản của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) là việc áp dụng thuế phải gắn với trách nhiệm giải trình, ông có đồng tình với ý kiến này?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Tất nhiên, trách nhiệm giải trình nguồn thu, chi là yêu cầu đặt ra cho mọi sắc thuế, không chỉ thuế tài sản. Đặc biệt, theo khuyến cáo của nhóm nghiên cứu, thuế này nên được đưa về chính quyền địa phương thì trách nhiệm giải trình càng phải rõ hơn, chi tiêu ra sao, đầu tư cho những công trình gì(?) Khi người dân nhận thức được rõ hiệu quả của nguồn thu này thì họ sẽ sẵn lòng hơn trong chấp hành nghĩa vụ thuế.

PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo tài chính Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết Thuế tài sản: Nghiên cứu chặt chẽ sẽ đảm bảo khả thi tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận