Thương mại điện tử 2019: Vừa lúng túng, vừa thiếu lòng tin

19/04/2019, 09:55

TCDN -
Nền tảng pháp lý yếu, lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến thấp, dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn cao…



Tăng trưởng 30%
Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương Lại Việt Anh nhấn mạnh: Năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.
Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, đến năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này, quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek cho thấy, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate - CAGR) của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Theo số liệu của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng TMĐT năm 2017 ước tính trên 25%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhận định, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, thậm chí là “ngoạn mục”. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 của các doanh nghiệp này là 35%. Khảo sát tại các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ này lên tới 60 - 200%.
Tại lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam, năm 2017, số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá dịch vụ tăng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100 - 200%...
VECOM cho biết, với sức hấp dẫn của một thị trường hơn 93 triệu dân, lượng người kết nối Internet lớn, thời gian qua, thị trường TMĐT Việt Nam đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều “ông lớn” về TMĐT trên thế giới. Đặc biệt, đầu tháng 3 này, việc “ông lớn” trong lĩnh vực TMĐT là Amazon chính thức cung cấp dịch vụ tại Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá là tín hiệu tốt cho thị trường TMĐT. Thị trường sẽ cạnh tranh hơn và người dân sẽ thuận tiện hơn trong mua bán hàng hóa.
Tuy nhiên, tương tự nhiều nước khác, Việt Nam đang lúng túng trong việc quản lý loại hình kinh tế chia sẻ, điển hình là trường hợp hai hãng cung cấp dịch vụ vận tải Uber và Grab. Liên quan đến quản lý thuế đối với TMĐT, ngay cả Bộ Tài chính cũng đánh giá cách quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý một cách đầy đủ và chính xác với loại hình kinh doanh này.

Bên cạnh hành lang pháp lý, VECOM cũng nêu một thực tế là hiện tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động trên tổng vốn đầu tư TMĐT của doanh nghiệp còn khiêm tốn, không ít doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư vào khâu này. Có tới 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát chi dưới 20% trong tổng vốn đầu tư TMĐT để xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động, 33% doanh nghiệp đầu tư từ 20-50%. Các tỷ lệ này hầu như không thay đổi so với năm 2016. Không có sự khác biệt đáng kể giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chi cho xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động.

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng, hiện nền tảng pháp lý cho TMĐT còn yếu. Ngay cả ở những nước có nền kinh tế phát triển và đã phát triển TMĐT, môi trường pháp lý cũng chưa theo kịp sự phát triển của TMĐT. Đây là thách thức lớn và cần tìm được giải pháp để thúc đẩy phát triển TMĐT.

Các chuyên gia nhấn mạnh, vấn đề bất cập lớn đối với phát triển TMĐT là việc bảo vệ thông tin cá nhân. Hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã có các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân tuy nhiên, tình trạng thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân vẫn diễn ra phổ biến. Và nguy cơ bị thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân là một trong những nguyên nhân làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng với TMĐT.

Đối với TMĐT qua biên giới, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020 đề ra mục tiêu phát triển nhanh lĩnh vực này, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu; giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp [B2B] chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020. Tuy nhiên, hết năm 2018 hoạt động TMĐT xuyên biên giới loại hình B2C còn gặp nhiều khó khăn ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Cụ thể với một số sàn TMĐT tại Việt Nam cung cấp dịch vụ cho người bán hàng nước ngoài. Người mua có thể trả lại hàng nếu hàng hóa không đúng như quảng cáo và không bị tính tiền vận chuyển món hàng trả ngược lại người bán ở nước ngoài. Nói chung, người mua có khuynh hướng thanh toán khi nhận hàng (COD). Tuy độ rủi ro của COD là cao nhưng nhiều sàn TMĐT sẵn sàng chấp nhận để đưa hàng đến tay người tiêu dùng với hy vọng lòng tin của người tiêu dùng sẽ được củng cố theo thời gian. Hàng hóa đã được người tiêu dùng chấp nhận, thì đơn vị quản lý sàn phải đối mặt với khó khăn mua ngoại tệ và thanh toán lại cho nhà bán hàng xuyên biên giới…

Một số doanh nghiệp lĩnh vực cung cấp dịch vụ logistics phàn nàn, do còn những bất cập về hạ tầng nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ vận chuyển, thủ tục hàng hóa… phục vụ cho TMĐT.

Giữ uy tín về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp

Để TMĐT Việt Nam phát triển bứt phá và bền vững, ông Phạm Tấn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Fado Việt Nam cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ, yếu tố quyết định chính là bản thân các doanh nghiệp. Trên nền tảng online, khách hàng không được cầm, chạm trực tiếp vào sản phẩm, do đó đòi hỏi doanh nghiệp bán hàng phải giữ uy tín về chất lượng sản phẩm, về dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Trong khi TMĐT trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ và ở mức độ chín nhất định, Việt Nam nếu muốn vươn ra thế giới thì không thể giữ lối “ăn xổi, ở thì” mà cần có tư duy kinh doanh trực tuyến. Không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt chưa có năng lực phù hợp với bán hàng trực tuyến.

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng - đại diện Nielsen miền Bắc nhìn nhận, các “ông lớn” về TMĐT vào Việt Nam là tín hiệu tốt cho thị trường, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Thị trường có thêm nhà cung cấp, có sân chơi sòng phẳng. Doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường một cách sòng phẳng với sự cạnh tranh lành mạnh, từ đó có thêm thời gian và chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh để phục vụ khách hàng tốt nhất. Còn phía người tiêu dùng có thêm lựa chọn, có thêm kênh mới và có cơ hội tiếp cận sản phẩm nước ngoài nhanh chóng. Hiện xu hướng TMĐT tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, dư địa còn nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thị trường TMĐT tại Việt Nam cũng gặp nhiều rào cản. Do đó, cần phải có chiến lược để phát triển.


Thu Hoài - Tạp chí TCDN số 4/2019
Bạn đang đọc bài viết Thương mại điện tử 2019: Vừa lúng túng, vừa thiếu lòng tin tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận