Tiếp cận thương mại trên nền tảng số: 3 thách thức, 4 tiềm năng

19/04/2019, 09:49

TCDN - Tiềm năng thương mại trên nền tảng số của Việt Nam có thể lên đến 953.000 tỷ đồng xét về giá trị kinh tế vào năm 2030. Tuy nhiên, lĩnh vực này đã và đang phải đối mặt với các rào cản ngày càng tăng dưới nhiều hình thức khác nhau...




Đạt trên 950.000 tỷ đồng vào năm 2030

Theo Báo cáo “Cách mạng dữ liệu: Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội thương mại trên nền tảng số ở trong và ngoài nước như thế nào” của Công ty AlphaBeta, thương mại trên nền tảng số tạo ra cho nền kinh tế quốc nội giá trị kinh tế lên đến 81.000 tỷ đồng vào năm 2017 tại Việt Nam và tiềm năng có thể tăng lên đến 953.000 tỷ đồng vào năm 2030. Bên cạnh đó, giá trị của xuất khẩu kỹ thuật số cũng đã mang lại 97.000 tỷ đồng; dự kiến tiềm năng của kỹ thuật số sẽ tăng 570% đến trước năm 2030, với giá trị 652.000 tỷ đồng.

TS Konstantin Matthieus, Công ty AlphaBeta khẳng định, các doanh nghiệp Việt đã gặt hái được những thành công lớn ở thị trường nước ngoài thông qua thương mại số nhờ tận dụng các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới; hợp tác với các nhà phân phối trực tuyến. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã khéo léo tận dụng sức hấp dẫn toàn cầu của thực phẩm Việt Nam để tiếp cận nhiều đối tượng hơn thông qua kênh YouTube - hiện có hơn 450.000 người đăng ký trên toàn cầu với hơn 45% người xem từ Mỹ và nhiều người từ các quốc gia khác như: Úc, Canada, Đức và Singapore. Tương tự với Zalo, What’s App, WeChat…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, Việt Nam đang có 4 tiềm năng lớn trong bối cảnh thương mại trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ. Đó là, cải thiện năng suất lao động đang mở ra cơ hội phát triển mới cho Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo những động lực mới cho tăng trưởng. Theo đó, mô hình tăng trưởng tương lai của Việt Nam phải là mô hình do “năng suất lao động dẫn dắt, thể chế là tiền đề”.

Hiện Việt Nam đang thực hiện cải cách thể chế, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Trong số 16 FTAs Việt Nam đã và chuẩn bị tham gia, đều có những nội dung quy định chi tiết về phát triển kinh tế số, thay đổi thể chế. Điều này cũng sẽ mở ra những cơ hội phát triển lớn cho Việt Nam .

Một cơ hội lớn khác là Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” và được dự báo là sẽ kết thúc vào năm 2030. Những người trẻ được đánh giá là có khả năng thích ứng nhanh chóng, phù hợp với môi trường toàn cầu hóa. Người Việt Nam cũng được đánh giá cao về khả năng tư duy logic, toán học.

Nếu không tận dụng được những tiềm năng mà cơ cấu “dân số vàng” mang lại, cơ hội cho phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ khó khăn gấp bội.

Thực tế, kinh tế số và thương mại điện tử đã và đang hình thành ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các đối tác lớn của Việt Nam. Trong đó, kinh tế số và thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam nếu không kịp thay đổi sẽ khó nắm bắt được những cơ hội từ sự chuyển biến này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, thương mại trên nền tảng số đã và đang phải đối mặt với các rào cản ngày càng tăng dưới nhiều hình thức khác nhau trong những năm gần đây. Các rào cản còn tồn tại dưới 4 hình thức chính. Thứ nhất là quyền riêng tư của cá nhân. Có nhiều cách để giải quyết các mối quan ngại về quyền riêng tư, và nhiều cách có thể giúp đạt được cùng một mục tiêu là bảo vệ quyền riêng tư mà không cản trở quá đến các luồng dữ liệu.

Thứ hai là cho phép truy cập nhanh vào dữ liệu để thi hành pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia cũng như bảo vệ người dùng. Việc yêu cầu truy cập kịp thời là vấn đề hợp lý, tuy nhiên cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề này là giải quyết yêu cầu cụ thể của các cơ quan thi hành luật pháp thông qua thỏa thuận chia sẻ dữ liệu chính phủ, thay vì hạn chế các luồng dữ liệu.

Thứ ba là hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp kỹ thuật số và việc làm trong nước. Tuy nhiên, cũng có một số lập luận cho rằng, thương mại trên nền tảng số tự do sẽ dẫn đến việc một số công ty đa quốc gia nắm bắt được lợi ích kinh tế, trong khi lợi ích các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế và nền kinh tế trong nước sẽ đánh mất cơ hội việc làm.

Thứ tư là về tài chính. Đây là lo ngại của nhiều nhà hoạch định chính sách vì vấn đề lợi nhuận của các doanh nghiệp trên nền tảng số dễ dàng chuyển đổi sang các khu vực đánh thuế thấp để tránh và giảm bớt tiền thuế.

Khắc phục 3 thách thức

Để tận dụng được xu thế này, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, Việt Nam cần phải khắc phục 3 thách thức cơ bản. Trước tiên, Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu chung, có khả năng chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, địa phương. Số liệu thống kê được công bố vẫn chưa được cập nhật kịp thời, thường xảy ra “độ vênh”. Sau khi được công bố, nhiều số liệu vẫn phải thực hiện điều chỉnh.

Thêm nữa, số liệu thống kê còn “thiếu độ mở”. Một phần là do nhà nước có những thông tin mật không được công bố rộng rãi. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng đang có tình trạng duy trì tới 2 - 3 báo cáo được dành riêng cho các đối tượng khác nhau như: nội bộ, cổ đông, cơ quan nhà nước (thuế, thống kê). Việc thiếu các chuẩn mực về thống kê, hệ thống kế toán làm cho độ tin cậy của các số liệu thống kê vẫn chưa cao. Hệ thống dữ liệu chưa đủ tin cậy để làm cơ sở cho việc đánh giá, xây dựng chiến lược cho chính phủ và doanh nghiệp.

Một vấn đề khác, các chính sách tại Việt Nam vẫn chưa nhất quán, độ minh bạch và tính khả thi vẫn còn bỏ ngỏ. Các điều kiện kinh doanh vẫn còn phức tạp, thiếu tính đồng bộ giữa các chuyên ngành và gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong nước. Thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn “vướng” thanh toán điện tử. Người dân và doanh nghiệp vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt thay vì sử dụng kênh thanh toán điện tử. Hiện những tập quán và văn hóa kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều thay đổi. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và DNNVV vẫn chiếm đa số tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này kinh doanh nhiều mặt hàng, nhiều lĩnh vực và gặp nhiều khó khăn về quản trị. Bên cạnh đó, các DNNVV cũng gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận thông tin về nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng thiếu sự hiểu biết về thị trường.

Bên cạnh đó, tập quán kinh doanh cũ tại DNNVV cũng trở thành rào cản cho các hoạt động phân phối trong thương mại điện tử. Hệ thống dịch vụ hỗ trợ kinh doanh đã hình thành nhưng vẫn chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho các DNNNV nhưng hỗ trợ khá tốt cho các doanh nghiệp lớn vì tính chuyên nghiệp cao hơn.

TS Konstantin Matthieus, khuyến nghị, Việt Nam nên có hành động trong 3 lĩnh vực quan trọng để giải quyết những lo ngại liên quan đến thương mại số. Trước tiên, đó là cụ thể hoá loại dữ liệu được chia sẻ, ranh giới chia sẻ và hình thức chấp thuận của người dùng, khuyến khích khả năng tương tác giữa các khung cơ sở kỹ thuật số.

Tiếp theo là đặt ra những quy định về trách nhiệm trung gian trên Internet một cách cân bằng trong đó lưu ý đến chính sách “bến cảng an toàn” để quy định trách nhiệm của nền tảng đối với nội dung được phân phối qua các nền tảng Internet.
Cuối cùng, cần giảm bớt những yêu cầu nghiêm ngặt về việc thiết lập cơ sở lưu trữ dữ liệu ở địa phương; xem xét giảm thuế cho mặt hàng công nghệ thông tin; giảm bớt những hạn chế về đầu tư nước ngoài, chính sách cạnh tranh và luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Việt Hà - Tạp chí TCDN số 4/2019
Bạn đang đọc bài viết Tiếp cận thương mại trên nền tảng số: 3 thách thức, 4 tiềm năng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận