'Tín dụng đen' hoành hành như xã hội đen

07/12/2018, 08:46

TCDN -

Hoạt động tín dụng đen vươn vòi “bạch tuộc” khắp thành thị đến nông thôn, khiến không ít người dính bẫy, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người dân nông thôn.

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen sẵn sàng dùng quan tài, vòng hoa, dán cáo phó, chất bẩn để gây sức ép…với con nợ.

'Tín dụng đen' hoành hành như xã hội đen

'Tín dụng đen' hoành hành như xã hội đen. (Ảnh minh hoạ)

“Những con mồi ngon” của tín dụng đen

Chỉ cần dạo qua vài con phố ở Hà Nội, người ta dễ dàng nhìn thấy những tờ rơi quảng cáo hấp dẫn như “cho vay tiền không cần thế chấp tài sản”, “cho vay tiền thủ tục nhanh gọn”,... Còn nếu gõ Google tra cứu từ khoá “vay tiền”, sẽ hiện ra một loạt website quảng cáo “cho vay tiền, thủ tục nhanh gọn, nhận tiền trong tích tắc”.

Vào vai 1 người đang cần vay tiền, phóng viên đã liên hệ tới vài số điện thoại trên tờ rơi dán ở đường phố và trên mạng internet như 09135xxx…, 08641xxx…, 090551… Theo lời giới thiệu từ các số điện thoại này, người vay tiền chỉ cần một số giấy tờ như giấy đăng ký xe máy, ô tô, giấy phép lái xe, CMND… là lập tức được cho vay tiền.

Nếu vay dưới 10 triệu đồng, lãi suất sẽ dao động từ 5.000 đến 6.000 đồng/1 triệu/ngày. Nếu với số tiền từ 30 triệu đồng trở lên sẽ có lãi suất từ 4.000 đến 5.000 đồng/1 triệu/ngày. Mức lãi suất còn được áp dụng với thời hạn vay, nhưng thường không quá 50 ngày. Nếu quá hạn, người vay sẽ bị tính lãi suất “cắt cổ” hoặc sẽ có “luật” xử phạt.

Tin lời quảng cáo hấp dẫn, thủ tục đơn giản nên nhiều người gặp bí bách về tài chính đã sa vào vòng vây tín dụng đen. Chiêu thức hoạt động của tín dụng đen tinh vi ở chỗ, chúng thường xây dựng một hệ thống “chân rết” dày đặc, chỉ mất vài phút là có thể biết được hoàn cảnh kinh tế của đối tác.

Chính vì thế, người vay được ít, người vay được nhiều… đều phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình mà các đối tượng đã rõ mười mươi qua hệ thống chân rết. Học sinh, sinh viên ham mê lô đề, cá độ cũng là những “con mồi ngon” mà đối tượng tín dụng đen nhắm tới.

Điển hình như năm 2017, sinh viên Trần Văn. H., ở xã Như Hoà, Kim Sơn, Ninh Bình đã bị các đối tượng cho vay tín dụng đen về tận quê truy tìm. Huy cá độ bóng đá nhưng thua, các đối tượng lên kịch bản cho mượn xe máy, sau đó “gợi ý” Huy viết giấy bán cho người khác với giá rẻ mà thực chất là cùng băng nhóm.

Trả nợ cá độ xong, Huy lại quay cuồng lo khoản tiền chuộc xe vì bị các đối tượng dọa kiện về tội lừa đảo “mượn xe nhưng lại bán”. Để xoay tiền, Huy phải vay mượn khắp nơi và càng lún sâu vào “bẫy” của tín dụng đen. Kết quả là chưa đầy 1 tháng, Huy mượn đến 3 chiếc xe máy với cùng chiêu thức mà nhóm tín dụng đen đã bày sẵn: “mượn rồi bán”.

Đến lúc này, các đối tượng chuyển sang giai đoạn tìm Huy truy thu nợ. Từ 3 chiếc xe máy mượn rồi bán không nổi 60 triệu đồng, chưa đầy 2 tháng Huy bị yêu cầu phải trả 140 triệu đồng để chuộc lại 3 chiếc xe. Không có tiền trả nợ, các đối tượng tìm về tận quê Huy ép bố mẹ phải chi tiền chuộc xe cho chúng.

Nhận được phản ánh từ gia đình, PV đã tiếp cận với các đối tượng này. Ban đầu PV bị 3 đối tượng xăm trổ dọa dẫm, dùng điện thoại “khủng bố”, thậm chí còn mượn danh công an để “nắn gân” PV. Tuy nhiên, khi PV hỏi: “Các anh quen biết thế nào mà cho mượn nhiều xe thế, giờ tôi mượn 3 chiếc xe có được không?” thì các đối tượng từ chối rồi rút lui.

Lãi suất khủng khiếp: 360%/năm

Giữa năm 2018, Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an TP. Buôn Ma Thuột cũng triệt phá nhóm đối tượng từ Hải Phòng vào Đắk Lắk, núp bóng tổ chức hỗ trợ tài chính. Băng nhóm này đã cho hơn 260 hộ dân vay với lãi suất lên đến 30%/tháng, tương đương 360%/năm. Nhiều người chậm trả nợ thì bị chúng đến đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.

Dùng quan tài, vòng hoa, chất bẩn, dán cáo phó... để gây sức ép

Liên quan đến hoạt động tín dụng đen, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Đào Tơ, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Huy cho biết: Trong vài năm trở lại đây, đã tiếp cận khá nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Hoạt động này thể hiện rõ nhất dưới hình thức, vay và cho vay. Bản chất của tín dụng đen là cho vay với lãi suất “khủng” vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định của pháp luật cho phép.

Theo quy định, lãi suất cho vay không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định, trên mức này là được xếp vào diện vay nặng lãi. Theo luật sư Tơ, hoạt động “tín dụng đen” là mầm mống phát sinh nhiều loại tội phạm, với nhiều hành vi vi phạm khác nhau.

“Một hiện tượng nhức nhối liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã và đang diễn ra là các đối tượng sai “đàn em” đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình “con nợ” để đe dọa, buộc phải trả tiền. Có trường hợp đối tượng đem cả quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ...”, luật sư Tơ nói.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH luật Trường Lộc nhìn nhận thời gian gần đây, khi xảy ra tranh chấp dân sự, thay bằng báo với cơ quan bảo vệ pháp luật, một số người đã sử dụng “xã hội đen” để giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật hiện hành để hoạt động phi pháp.

Luật sư Tuấn phân tích, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng việc chứng minh các dấu hiệu phạm tội và xử lý các hành vi bạo lực hoặc vi phạm pháp luật trong hoạt động “tín dụng đen” còn rất khó khăn và cần thêm rất nhiều chế tài kèm theo”, luật sư Tuấn nói.

Triệt xóa 80 vụ, bắt xử lý 166 đối tượng

Liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2018, lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp đã triệt xóa 80 vụ, bắt xử lý 166 đối tượng, thu giữ trên 25.000 tờ rơi quảng cáo, gần 700 hợp đồng vay, đặt cọc, thuê tài sản, sổ sách cho vay hơn 2,8 tỷ đồng, thu giữ một số loại công cụ hỗ trợ cùng nhiều giấy tờ và tài liệu liên quan.

Đòi tiền, làm mù mắt “con nợ”

Ngày 18/10, Công an huyện Tuy Phong (Bình Thuận) khởi tố bị can Phạm Thị Ngọc Tuyết ở thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong về tội “Cố ý gây thương tích”. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2016, chị Trần Thị Kim Ngọc (giấu chồng) vay của bà Tuyết 3 triệu đồng với lãi suất 30.000 đồng/ngày.

Ngày 23/8, vợ chồng bà Tuyết đến nhà chị Ngọc đòi tiền lãi. Hai bên đã xảy ra mâu thuẫn, bà Tuyết đã đánh chị Ngọc. Khi anh Sinh (chồng chị Ngọc) xông vào can ngăn thì bị bà Tuyết dùng vỏ chai bia đập bể, đâm vào mắt trái anh Sinh gây mù.

Theo Tiền Phong
Bạn đang đọc bài viết 'Tín dụng đen' hoành hành như xã hội đen tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận