Tín hiệu tích cực qua diễn biến lãi suất của ngân hàng

12/06/2019, 07:21

TCDN - Mặt bằng lãi suất trong hai tháng gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn, dù vẫn có những yếu tố gây áp lực lên lãi suất trong thời gian qua. Điều gì đã giúp hệ thống hóa giải những áp lực này và xu hướng sắp tới sẽ ra sao?

ec601_tinhieutichcucquadienbienlaisuat_thanhhoa

VPBank, trong tháng 4-2019, có đến hai lần giảm lãi suất huy động, với kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm, 6-11 tháng giảm 0,1 điểm. Ảnh minh họa Thành Hoa

Giảm ngắn tăng dài

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) trong tháng 5 vừa qua đã có đến hai lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, với kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm, 3-8 tháng giảm 0,1 điểm, các kỳ hạn dài hơn như 18, 24 và 36 tháng cũng giảm 0,1 điểm.

Hay như tại VPBank, trong tháng 4 cũng có đến hai lần giảm lãi suất huy động, với kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm, 6-11 tháng giảm 0,1 điểm. Nếu so với khung lãi suất hồi cuối năm 2018, lãi suất tiền gửi của ngân hàng này đã giảm mạnh 0,4 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-2 tháng, giảm 0,3 điểm kỳ hạn 3-11 tháng, giảm 0,2 điểm ở kỳ hạn 12 tháng và 0,3 điểm ở kỳ hạn 13 tháng.

Khung lãi suất tiền gửi tháng 5 của Ngân hàng Bản Việt mới đây cũng giảm 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-2 tháng (xuống còn 5,3%), tuy nhiên lại tăng 0,2 điểm ở kỳ hạn 13 tháng (lên mức cao 8,2%).

Thống kê lãi suất bình quân của 35 ngân hàng Việt trong tháng 5 cho thấy kỳ hạn 1-5 tháng đang ở mức 5,28%, giảm 0,01 điểm phần trăm so với tháng trước và giảm 0,03 điểm so với đầu năm.

Đáng lưu ý là trong khi lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng tăng khiêm tốn 0,01 điểm phần trăm so với đầu năm, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,02 điểm phần trăm thì kỳ hạn 13 tháng tăng mạnh 0,09 điểm.

Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm nhanh từ mức 4-5% trong tháng 4 xuống chỉ còn quanh 2,5% đối với kỳ hạn qua đêm. Trên thị trường trái phiếu, so với tháng 4-2019, lãi suất trúng thầu tháng 5-2019 tăng 0,03 điểm phần trăm/năm với kỳ hạn 30 năm và giảm từ 0,01-0,03 điểm/năm tại các kỳ hạn còn lại.

Động lực dẫn dắt

Screen Shot 2019-06-12 at 12.21.34 AM

Với quy định trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng hiện nay ở mức 5,5%, nhiều ngân hàng chẳng những không sử dụng hết trần mà diễn biến từ đầu năm đến nay còn cho thấy mặt bằng lãi suất ở kỳ hạn này có xu hướng giảm dần. Điều này hàm ý thanh khoản của hệ thống nói chung và của nhiều ngân hàng nói riêng vẫn ổn định, thậm chí là có những thời điểm dư thừa lớn.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua ròng đến 8,35 tỉ đô la Mỹ trong những tháng đầu năm nay, tương ứng đã có hơn 190.000 tỉ đồng được bơm ra, giúp thanh khoản trên thị trường khá dồi dào, đến mức nhà điều hành phải hút bớt thanh khoản trở lại qua thị trường tín phiếu.

Động thái trên cũng giúp tăng trưởng cung tiền thường xuyên duy trì ở mức cao hơn so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động cho vay trong năm tháng qua cũng chậm hơn so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 21-5-2019 chỉ ở mức 5,07% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 5,42% của cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, việc một số ngân hàng tăng mạnh được vốn điều lệ trong thời gian qua càng giúp cải thiện nguồn vốn kinh doanh. Thống kê cho thấy đến cuối tháng 3-2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 578.900 tỉ đồng, tăng 2.600 tỉ đồng, tương đương 0,45% so với cuối năm 2018. Riêng vốn của Vietcombank đã tăng mạnh 6.100 tỉ đồng, gồm vốn điều lệ tăng 1.100 tỉ và thặng dư vốn cổ phần gần 5.000 tỉ sau khi phát hành thêm cho quỹ đầu tư GIC và cổ đông chiến lược Mizuho.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng thời gian qua liên tục phát hành giấy tờ có giá (GTCG) nhằm huy động vốn trung và dài hạn đáp ứng các tỷ lệ an toàn, cũng như để cải thiện vốn tự có. Có thể kể đến những cái tên như SeABank, Việt Á, BIDV, SHB, MSB hay mới đây nhất là VietinBank và ACB. Việc phát hành các GTCG với lãi suất hấp dẫn để thu hút người mua mới cũng giúp các ngân hàng tránh được việc phải điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài.

Ổn định đã là thành công

Dù vậy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng bình quân theo bảng biểu trên cũng tăng đáng kể (0,09 điểm phần trăm so với đầu năm), chủ yếu là do hiện nay không ít ngân hàng đang áp dụng lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay theo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Theo đó, khi điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng cũng đồng thời sẽ làm tăng lãi suất cho vay, giúp ngân hàng có được biên độ lãi suất tốt hơn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn hiện nay.

Đáng chú ý là mức lãi suất cao ở kỳ hạn 13 tháng tại các ngân hàng này thường chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi có giá trị từ 100-200 tỉ đồng trở lên, vốn không phổ biến, do đó rất ít khách hàng được hưởng mức lãi suất như trên, vì vậy cũng hạn chế làm tăng chi phí vốn của các ngân hàng.

Về xu hướng thời gian tới, với áp lực lạm phát và tỷ giá đang ngày càng mạnh hơn, lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay sẽ là một biến số khó lường. Dù nhiều quốc gia đang quay trở lại thời kỳ nới lỏng bằng cách ngừng hoặc thậm chí giảm lãi suất trở lại, nhưng trước những rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến đồng nhân dân tệ chìm sâu, tác động xấu đến tỷ giá, NHNN sẽ phải thận trọng hơn.

Cùng với lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cộng thêm giá dầu biến động khó lường, áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm nay có thể lớn. Do đó, mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay trong năm nay dường như ngày càng xa vời, hay nói cách khác giữ ổn định được đã là một thành công.

Theo The Saigontimes

Bạn đang đọc bài viết Tín hiệu tích cực qua diễn biến lãi suất của ngân hàng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận