Tinh giản biên chế: Làm sao cho đúng đối tượng?

14/12/2018, 11:15

TCDN -

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, từ năm 2015 đến ngày 6/8/2018, cả nước đã giảm được 39.823 biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, gần 90% trong số này là đối tượng về hưu trước tuổi, số đối tượng cho thôi việc ngay chỉ chiếm 13,1%.

Ảnh minh họa
Tinh giản chưa đúng đối tượng

Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tinh giản biên chế, trong đó có Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế; Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Ban Chấp hành Trung ương. Theo Kết luận 17, đến năm 2021, toàn hệ thống chính trị phải thực hiện tinh giản biên chế 367.790 người so với biên chế năm 2015; có nghĩa là từ nay đến năm 2021 mỗi năm giảm bình quân 2,5% biên chế.

Thực hiện các chủ trương trên, năm 2018 các bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt vào cuộc, thực hiện các đợt rà soát tinh giản biên chế và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, năm 2018 đã tiến hành hai đợt tinh giản biên chế với tổng số giảm là 400 biên chế; tổng kinh phí chi thực hiện tinh giản là 50 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2021 tỉnh này sẽ tinh giản thêm khoảng 7.000 người. Thành phố Hà Nội trong năm 2018 đã thực hiện 4 đợt tinh giản biên chế, tổng số giảm 400 biên chế, tổng kinh phí chi thực hiện tinh giản là hơn 21,66 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021 đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 39.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, từ năm 2015 đến ngày 6/8/2018, cả nước đã giảm được 39.823 biên chế theo Nghị định 108, trong đó 7 tháng đầu năm 2018 cả nước đã tinh giản được 9.462 người. Tuy nhiên, cũng theo Bộ Nội vụ, phần lớn số người được giảm thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi (chiếm đến 86,67%), chỉ có 13,1% người thuộc diện thôi việc ngay. Theo nhận định của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, việc thực hiện tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương tuy đã được chú ý hơn nhưng vẫn còn thụ động; nhiều nơi đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định, đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản tại Nghị định 108; chưa tinh giản được những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực…

Đổi mới cách đánh giá cán bộ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108, theo đó, bổ sung thêm đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý. Ngoài ra, Nghị định 113 cũng bổ sung thêm trường hợp tinh giản biên chế. Cụ thể, những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm đ, e, g Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108.

Theo ông Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, để tinh giản biên chế đúng đối tượng, cần đánh giá đúng, thực chất cán bộ, công chức, viên chức. Muốn thế, trước hết phải đổi mới cách đánh giá để tránh tình trạng đánh giá chung chung. Đánh giá cần đặt trọng tâm vào kết quả làm việc của công chức; trình độ đào tạo, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng và suy đến cùng là năng lực của từng công chức được thể hiện ra, được đo bằng kết quả làm việc. Kết quả làm việc của công chức phải được đánh giá hàng tháng, có các tiêu chí rõ ràng, chứ không phải theo kiểu hiện nay cuối năm mới làm một lần, hơn nữa lại rất thiếu cơ sở, bằng chứng về kết quả làm việc của công chức.

Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có bản lĩnh dám chịu trách nhiệm trong đánh giá công chức, có như vậy mới tránh được việc đánh giá qua loa, hình thức. Kinh nghiệm cho thấy, đây lại không phải là vấn đề dễ khắc phục. Cơ chế lấy phiếu tín nhiệm vào quy hoạch công chức lãnh đạo, lấy phiếu tín nhiệm khi bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại... đang ảnh hưởng ít nhiều tới trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá công chức cũng như công tác tinh giản biên chế. Dĩ hòa vi quý, hình thức, ai cũng tốt cả đang là hiện tượng tương đối phổ biến trong đánh giá công chức cuối năm ở các cơ quan công quyền.

Quan trọng hơn, cần bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch trong tinh giản biên chế về các phương diện số lượng người phải giảm theo quy định của cấp trên, quá trình thực hiện, chế độ, chính sách tinh giản biên chế theo quy định, danh sách cụ thể những người thuộc diện tinh giản.
Theo Thời báo tài chính Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết Tinh giản biên chế: Làm sao cho đúng đối tượng? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận