Trung Quốc tạo đột phá trong sản xuất pin lithium giá rẻ cho xe điện

15/05/2019, 07:20

TCDN - Việc sản xuất pin lithium, một thành phần thiết yếu trong pin cho ô tô điện, đã trở nên dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều nhờ một đột phá trong công nghệ do người Trung Quốc mới tìm ra.

Chi phí khai thác khoáng sản đã được cắt giảm xuống mức thấp kỷ lục, khoảng 15.000 nhân dân tệ (2.180 USD) cho mỗi tấn theo quy trình mới, theo một báo cáo của Chính phủ Trung Quốc.

Con số này là một tiến bộ đáng kể, nếu so với giá quốc tế cho lithium dao động từ 12.000 đến 20.000 USD/tấn và giá hợp đồng dài hạn khoảng 17.000 USD trong năm qua, theo một số ước tính công nghiệp.

_0 00 a xedienTQ

Thâm Quyến, thành phố phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc tính đến đầu năm 2019 đã có tới 99% trong số 21,689 chiếc taxi là chạy điện. Ảnh AP

Chi phí sản xuất chính xác của lithium là một bí mật kinh doanh được bảo vệ rất kỹ, nhưng những người trong ngành công nghiệp được South China Morning Post phỏng vấn đều cho rằng mức chi phí được dẫn trong báo cáo nói trên có thể được coi là một trong những (thậm chí là) mức giá thấp nhất trên thế giới hiện nay.

Mặc dù sản lượng lithium của Trung Quốc vẫn còn tương đối thấp, nhưng nó chiếm ưu thế trong việc cung cấp sản phẩm cuối cùng. Hiện Trung Quốc sản xuất gần hai phần ba tổng số pin lithium-ion của thế giới, so với chỉ 5% của Hoa Kỳ và nước nayf cũng kiểm soát hầu hết các cơ sở chế biến lithium của thế giới, theo các dữ liệu từ Benchmark Minerals Intelligence.

Hoa Kỳ đã tỏ ra lo ngại trước sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện, và đưa ra một dự thảo luật nhằm hợp thức hóa và cho phép các yêu cầu phát triển mỏ lithium, than chì và các khoáng sản khác sử dụng trong tiến trình.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lisa Murkowski, người đã đưa ra Đạo luật An ninh Khoáng sản cùng với Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin vào đầu tháng 5, cho biết Trung Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực chuỗi cung ứng xe điện đã tạo ra lợi thế trong cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra.

"Thách thức lớn nhất hiện nay của tôi là giải thích sao cho các thành viên khác của Quốc hội hiểu lý do tại sao điều này cần phải là một ưu tiên quốc gia", bà nói.

"Đến giờ thì đây vẫn là một sự thất bại của chúng tôi để hiểu rõ mối đe dọa của việc dễ bị tổn thương khi chúng tôi là một quốc gia phải phụ thuộc vào các nước khác để khai thác các mỏ khoáng sản của chúng tôi".

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất muốn đuổi kịp Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Pháp và Đức cũng đã yêu cầu Ủy ban châu Âu hỗ trợ 1,7 tỷ euro (1,9 tỷ USD) cho một tập đoàn pin, nhằm nghiên cứu công nghệ giúp giảm sự thống trị của Trung Quốc.

Bước đột phá khoa học này có thể giúp thay đổi số lượng lithium mà Trung Quốc có thể sản xuất trong tương lai. Qinghai Lithium Industries, một công ty nhà nước của Trung Quốc đang tận dụng quy trình mới để đạt hệ số biên lợi nhuận trung bình hơn 50% trong ba năm qua, với tổng doanh thu vượt quá ba tỷ nhân dân tệ, theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc .

_0 00 a Tesla China BB

Một xe điện của nhà sản xuất Mỹ Tesla đang sạc pin trước showroom ở Bắc Kinh. Ảnh Bloomberg

Lý Kiện (Li Jian), Giám đốc điều hành của công ty cho biết ước tính chi phí sản xuất là khá chính xác, nhưng không bao gồm thuế và lãi vay ngân hàng. Ông cũng dự đoán chi phí sản xuất sẽ có khả năng sẽ giảm hơn nữa trong tương lai với sự tiến bộ trong kỹ thuật.

Lithium được chiết xuất từ ​​nước biển nhưng tách nó ra khỏi các nguyên tố khác có trong muối vẫn là một thách thức trên toàn thế giới. Magiê, đặc biệt, rất khó tách khỏi lithium vì hai khoáng chất có tính chất ion tương tự nhau.

Theo báo cáo, một dự án nghiên cứu kéo dài 15 năm do Viện Khoa học Trung Quốc tài trợ đã tạo ra một cách thức hiệu quả, với chi phí thấp để liên kết lithium từ các khoáng chất khác, đặc biệt là magiê, qua nhiều giai đoạn xử lý với các phương pháp xử lý màng lọc và điện tử phức tạp.

Tiến sĩ Ren Dongming, Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng tái tạo thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết lợi nhuận kinh tế hấp dẫn sẽ làm tăng số lượng nhà cung cấp lithium, giúp giảm giá pin và cuối cùng có lợi cho người tiêu dùng.

"Lithium giá rẻ sẽ có lợi rất nhiều cho các nhà sản xuất ô tô điện như Tesla chẳng hạn", ông nói.

Theo một số ước tính công nghiệp, hiện giờ một nửa cho đến 30% chi phí của một chiếc xe điện thuộc về pin. Khi có giá rẻ hơn, quãng đường vận hành gia tăng và các cơ sở hạ tầng như hệ thống trạm sạc pin tốt hơn sẽ giúp cho loại phương tiện giao thông không phát thải này trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn cho người mua xe, tiến sĩ Ren nói.

Khoảng bốn phần trăm số xe hơi trên đường vào năm ngoái đã chạy bằng điện, theo Trung tâm Quản lý ô tô, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Đức. Thị trường xe điện lớn nhất, với gần một triệu xe hơi điện đã được đăng ký chính là Trung Quốc, nơi được cho là một trong những quốc gia giàu tài nguyên lithium nhất thế giới.

_0 00 a train Tibetan Reuters

Một tàu hàng chở muối bên hồ Thanh Hải (Qinghai Lake) tại khu vực giàu khoáng sản trên cao nguyên Tây Tạng. Ảnh Reuters

Theo ước tính của chính phủ Trung Quốc vào năm 2017, các hồ muối trên cao nguyên Tây Tạng - nơi công nghệ mới đang được sử dụng - hiện chiếm giữ hơn 60% trữ lượng lithium thế giới.

Kết quả Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ vào năm ngoái ước tính một con số thấp hơn đáng kể, khi cho rằng các mỏ lithium tại Trung Quốc chỉ chiếm 7% trữ lượng của thế giới.

Trong khi đó, các ước tính khác đã xếp hạng dự trữ lithium của Trung Quốc ở vị trí thứ hai, sau Chile. Tuy nhiên, sản lượng lithium của Trung Quốc vẫn ở mức thấp với việc với các mỏ Trung Quốc chỉ đóng góp 9% vào tổng sản lượng lithium toàn cầu trong năm ngoái.

Ngược lại, các nhà máy Trung Quốc lại đang tiêu thụ nhiều kim loại này hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, chủ yếu để sản xuất pin.

Các nhà sản xuất lithium hàng đầu như Úc và Chile bán phần lớn sản lượng của họ cho Trung Quốc và trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã mua lại các mỏ ở các nước giàu lithium như Argentina và Úc.

Các cuộc mua bán rầm rộ đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang tích trữ các nguồn lực trong nước trong khi cố gắng kiểm soát nguồn cung lithium toàn cầu.

Xu Hong, một giáo sư tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết việc tích trữ không phải là lý do chính khiến Trung Quốc sản xuất lithium với tỷ lệ thấp.

Thay vào đó, sự cô lập và môi trường khắc nghiệt của cao nguyên Tây Tạng - bao gồm độ cao và mức oxy thấp - đã ngăn cản việc khai thác quy mô lớn tại các hồ muối.

"Dự trữ lithium ở Trung Quốc có thể rất lớn, nhưng lại rất khó khai thác", cô nói.

Công nghệ phân tách là một bước đột phá gần đây, tuy nhiên để áp dụng được công nghệ và xây dựng thêm các nhà máy thì sẽ cần nhiều thời gian, chưa kể đến những lo ngại cho rằng hoạt động khai thác có thể làm hỏng môi trường nhạy cảm ở địa phương.

"Tất cả những thứ này cần được coi là chi phí", giáo sư Xu nói.

Theo Nhà đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc tạo đột phá trong sản xuất pin lithium giá rẻ cho xe điện tại chuyên mục Vấn đề hội nhập của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận