Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra 'Thánh gióng Faros'

29/11/2016, 11:12

TCDN -

Phát triển chóng mặt với nhiều bất thường, có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư, Faros đang bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát kĩ.

Bất thường

Chiều ngày 28/11, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chánh Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đơn vị đang vào cuộc kiểm tra sự phát triển của cổ phiếu ROS do Công ty Cổ phần Xây dựng Faros (ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 65,01% vốn) niêm yết trên sàn Chứng khoán TP. HCM.

Trước đó, vào sáng ngày 18/11, The Wall Street Journal (WSJ), tờ nhật báo tài chính hàng đầu thế giới có bài viết đáng chú ý về sự tăng giá "bất thường" của ROS.

WSJ còn thông tin, ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết ông đã có báo cáo gửi tới cơ quan quản lý thị trường chứng khoán về sự tăng giá "bất thường" của cổ phiếu ROS trong thời gian qua đồng thời yêu cầu Faros giải trình về việc này.

Uy ban Chung khoan Nha nuoc kiem tra 'Thanh giong Faros'
Ông Trịnh Văn Quyết - Cổ đông lớn của Faros.

Thời gian gần đây, ROS đã làm nhiều chuyên gia đầu tư tài chính trên thế giới chóng mặt bởi sự phát triển như vũ bão. Chỉ sau 2 năm thành lập, vốn điều lệ của Faros nhảy vọt từ mức 1,5 tỷ đồng lên mức 4.300 tỷ đồng (tương đương với mức tăng 2.867 lần sau 2 năm).

Mức độ “lớn nhanh như thổi” của Faros càng trở nên rõ nét hơn sau khi niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tại thời điểm niêm yết ngày 1/9/2016, mức giá thấp nhất của cổ phiếu ROS là 8.400 đồng/cổ phiếu.

Sau hơn 2 tháng, giá trị cổ phiếu của ROS chốt phiên ngày 11/11/2016 đạt 108.700 đồng/cổ phiếu (tương đương mức tăng 13 lần kể từ giá thấp nhất thời điểm niêm yết) với giá trị vốn hóa tương ứng đạt 46.741 tỷ đồng. Từ đó, ông Trịnh Văn Quyết lần đầu tiên trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán của Việt Nam.

Mức tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) hiện tại của ROS là 270 đồng, với mức giá chốt phiên ngày 11/11/2016 là 108.700 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/E của ROS rơi vào mức 402 lần.

Nếu như Faros giữ nguyên mức lợi nhuận này hàng năm, khoản đầu tư vào Faros tại thời điểm hiện tại sẽ đem lại mức hoàn vốn ban đầu sau 402 năm (trong điều kiện hoàn hảo, không có lạm phát).

Việc tăng vốn điều lệ của Faros trong quý I/2016 cũng nhiều người đặt dấu hỏi nghi vấn. Cụ thể ở cách thức nộp vốn trong đợt tăng vốn điều lệ vào quý I.2016 với tổng số tiền là 462,5 tỷ đồng. Số tiền đó không được chuyển cùng 1 cục vào tài khoản ngân hàng mà tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần.

Số liệu liên quan đến hoạt động ủy thác đầu tư tại một công ty xây dựng Faros mới làm cho người khác giật mình. Tính đến ngày 30/06/2016, tổng số tiền ủy thác cho đầu tư cá nhân là 1.417 tỷ đồng và 2.149 tỷ đồng ủy thác cho nhà đầu tư tổ chức. Con số tổng cộng là 3.556 tỷ đồng (tương đương 82,9% quy mô vốn điều lệ).

Uy ban Chung khoan Nha nuoc kiem tra 'Thanh giong Faros'
Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn (%) ở Faros (Đồ họa Tri thức trẻ).

Điểm trùng hợp

Sự phát triển của ROS được dự đoán chưa dừng lại. Bởi, trong khuyến nghị của Công ty chứng khoán Artex, dựa trên tiềm năng tương lai của doanh nghiệp, mức giá hợp lý của cổ phiếu ROS là 160.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, giá mục tiêu mà Artex khuyến nghị cho cổ phiếu ROS là 85.000 đồng và mức giá này đã sớm đạt được chưa tới 1 tháng kể từ thời điểm ra báo cáo chính thức.

Nhưng ít ai biết được, giữa Artex – FLC - ROS vốn có một sợi dây liên hệ đặc biệt.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty chứng khoán Artex có địa chỉ tại tòa nhà FLC Landmark Tower trên đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, cùng địa chỉ với Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

FLC cũng từng là cổ đông lớn của Artex và có thời điểm công ty chứng khoán này còn có tên Công ty CP Chứng khoán FLC.

Hiện tại, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Artex cũng chính là Tổng Giám đốc của một công ty thành viên của FLC!

Nhớ lại thời điểm đầu năm 2015, xét về khả năng huy động vốn qua sàn chứng khoán khó có doanh nghiệp niêm yết nào qua mặt được bộ ba FLC - KLF (Công ty cổ phần liên doanh Đầu tư quốc tế KLF-Hnx) - FIT (Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T - Hnx).

Lên sàn trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2013, chưa đầy 18 tháng sau FLC đã phát hành cổ phiếu ba đợt, nâng vốn điều lệ từ 772 tỉ đồng lên 3.749 tỉ đồng; KLF từ 260 tỉ lên 1.517 tỉ đồng; FIT từ 150 tỉ lên 982 tỉ đồng.

Đâu phải tập đoàn nhà nước hay tư nhân nào cũng kinh doanh đa ngành được như vậy. Masan, Vinamilk, FPT, Kinh Đô, Hòa Phát... cũng không đặt chân vào các lĩnh vực mới “thần tốc” như họ. Nếu đợt phát hành sắp tới suôn sẻ, FLC sẽ đẩy Masan ra phía sau về quy mô vốn điều lệ.

Được biết, Công ty cổ phần liên doanh đầu tư quốc tế KLF là thành viên của Tập đoàn FLC. Kinh doanh trong rất nhiều lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đào tạo, du lịch, thể thao và... sữa kẹo.

Chính vì các công ty sở hữu một tỷ lệ nhất định cổ phần của nhau, rồi lại cùng tham gia sở hữu những công ty khác, mà có thể gọi chính xác là “thâu tóm” hợp pháp qua con đường mua bán cổ phiếu công khai. Vốn càng to, ma trận càng phức tạp.

Luật sư Phạm Hồng Hà - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc sở hữu chéo không bị cấm theo Luật Doanh nghiệp. Các quy định, giới hạn về sở hữu chéo trong Luật Doanh nghiệp chưa đầy đủ nên nhà đầu tư dễ gặp rủi ro, rơi vào trong ma trận mà các nhà đầu cơ dăng ra.

Theo Đất việt

Bạn đang đọc bài viết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra 'Thánh gióng Faros' tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận