Vẫn nhức nhối môi trường ở trang trại bò TH Nghệ An

13/07/2016, 04:54

TCDN - Nhiều năm qua, Công ty CP Thực phẩm sữa TH tại Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục môi trường do chất thải từ 38 ngàn con bò được nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp tại đây. Tuy nhiên, do lựa chon công nghệ xử lý chất thải lạc hậu, không phù hợp nên tình trạng phân bò, nước thải, mùi hôi thối vẫn “bao vây” những người dân đang sống tại xóm Tân Lâm. Họ tha thiết muốn chuyển đi nơi khác nhưng chưa thực hiện được vì vướng mắc về chính sách đền bù.

Khổ vì mùi... phân bò
Bà Nguyễn Thị Nguyên, 62 tuổi, trú tại C8 xóm Tân Lâm (xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) nghe nói có nhà báo đến nhà, đang lúc nghỉ trưa nhưng bà đã chồm bò dậy: “Các cô ở báo nào? Đến đây để thăm dò hay là giúp dân? Chúng tôi khổ lắm rồi! Bao nhiêu năm nay, ăn một bữa ăn cũng không được ngon, uống một ngụm nước cũng thấy lợm trong cổ họng. Khách đến nhà không dám ở lại ăn cơm, nước rót ra không dám uống. Có ai trên đất nước này khổ hơn chúng tôi ở đây không?”
Bà Nguyên đưa cho chúng tôi xem lá đơn viết tay, chữ nhỏ li ti, nét chữ xiêu vẹo. Nội dung đơn là những lời khẩn cầu tha thiết “xin tách dòng nước ô nhiễm cổng trại 2 chảy vào nhà”. Đơn được đề nơi gửi là ông Trưởng xóm, lãnh đạo xã Nghĩa Lâm, ông Trưởng trại 2, nhưng theo bà Nguyên: “Tui viết nhiều đơn lắm rồi, gửi nhiều lần lắm rồi, chẳng ai nghe, họ chỉ nhận đơn rồi im lặng”.
Bà Nguyên có 1 người con trai và 1 người con dâu là công nhân của Công ty CP Thực phẩm sữa TH và được trả lương 3,5 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này, theo người con trai của bà: “Không đủ mua sữa cho con, nhưng không làm thì không biết đi đâu, về đâu?”
Gia đình bà Nguyễn Thị Sen ở ngay sát tường rào trại bò số 1 và 2. Khi chúng tôi đến, trời đang nắng nhưng một mùi phân bò bao trùm rất khó chịu. Anh Tuấn, người con trai bà Sen mới được công ty CP Thực phẩm sữa TH nhận vào làm công nhân 1 năm nay với mức lương 3,5 triệu đồng, e ngại nói: “Các cô đi sang hỏi nhà khác đi, cháu đang làm công nhân của trại bò, nhỡ nói ra mà bị họ đuổi việc thì cả nhà cháu chết đói”. Tuấn là trụ cột gia đình có 2 anh em và đang chăm nuôi người cha bị tai biến mấy năm nay.

Nhìn ngôi nhà bề bộn, ẩm ướt, hôi hám, chúng tôi hỏi: “Sao không chuyển nhà đi nơi khác, công ty hỗ trợ tái định cư cơ mà”. Tuấn đáp: “Gia đình em muốn chuyển đi lắm, nhưng bên TH họ trả không đủ tiền. Ở đây mấy hộ nhận tiền nhưng chỉ được vài trăm, không đủ mua mảnh đất ở chỗ mới. Mua được đất rồi thì lấy đâu tiền mà làm nhà?”
Ông Trần Hồng Lý, 62 tuổi, nguyên là xóm trưởng xóm Tân Lâm khẳng định: “Họp xóm, họp xã lúc nào chúng tôi cũng kiến nghị, cũng hỏi là bao giờ chúng tôi được chuyển đi? Nhưng bao năm nay không nhận được câu trả lời. Xóm Tân lâm hiện có 42 hộ thì có tới 22 hộ tha thiết muốn chuyển đi nơi khác càng sớm càng tốt, nhưng toàn hộ nghèo, lực bất tòng tâm. Năm 2013, do mưa lớn, vỡ hồ chứa phân bò trên đồi, nước mưa kèm phân bò tràn khắp làng, báo chí làm ầm ĩ một thời gian rồi lại im lặng cho đến bây giờ. Cái hồ chứa phân bò ở trên đỉnh đồi, cứ mưa to là nước mưa kéo theo phân bò tràn ra chảy thẳng xuống nhà dân xóm Tân Lâm, xuống sông Sào, hòa vào sông Hiếu...”.
TH không... thiếu tiền?
Có lẽ nói Công ty CP Thực phẩm sữa TH thiếu tiền sẽ chẳng ai tin vì ngay từ ngày đầu triển khai dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn tại Nghĩa Đàn, doanh nghiệp này được đánh giá là “một thương hiệu mạnh”. Và, với chiến lược đưa sữa TH vào học đường năm học vừa qua ở một số huyện tại Nghệ An cho thấy, doanh nghiệp này đang đủ sức để thực hiện một con đường riêng cho mô hình kinh doanh hiện đại.
Theo phản ánh của người dân thì tại nhiều cuộc họp, đại diện công ty nói rằng, trách nhiệm giải phóng mặt bằng, di dân ra khỏi vùng dự án là thuộc thẩm quyền của địa phương, không phải trách nhiệm của doanh nghiệp. Về phía chính quyền thì lại bảo: “Doanh nghiệp phải chủ động thương thảo với dân, chủ động ứng tiền đền bù, hỗ trợ cho họ rồi sẽ được nhà nước trừ dần vào tiền thuê đất”. Cứ như vậy, chẳng biết ai đúng ai sai, nhưng người dân trong vùng dự án cứ mỏi mòn chờ đợi, mỏi mòn sức lực vì tiếp tục chung sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiệt ngã này.
Cũng theo người dân cho biết, công nghệ xử lý chất thải của Công ty CP Thực phẩm sữa TH rất lạc hậu và thô sơ. Phân bò được xe bồn của công ty chở từ các trại, chạy lên đỉnh đồi và được đổ vào 3 hồ lớn. Khi phân bò khô do nước đã thấm vào đất, được phơi nắng, họ lại chở đến 1 điểm tập trung, trộn với đất, trộn với phụ gia, bã mía, mùn cưa để thành phân vi sinh, sau đó đưa ra ruộng bón cho cây hướng dương và cỏ, mía, ngô... Quy trình xử lý chất thải này mấy năm nay không biết tiêu tốn cho doanh nghiệp bao nhiêu tỷ đồng nhưng chưa mang lại hiệu quả mà đang tạo ra những hậu quả từ các hồ chứa phân bò trên đỉnh đồi.
Trao đổi thực trạng này với ông Trần Văn Hồng- Giám đốc Công ty CP Đầu tư Môi trường Xanh 27/7 Nghệ An, ông Hồng khẳng định: Việc xử lý chất thải từ các trại bò của Công ty CP Thực phẩm sữa TH ở Nghĩa Đàn là hoàn toàn lầm được bằng công nghệ mới do công ty ông đang làm tại một số tỉnh phía Nam. Đó là công nghệ BIOWAY xử lí không để một giọt nước bẩn nào trên mặt đất. Từ sản phẩm phân và nước thải bằng công nghệ lên men vi sinh cao nhiệt A-T sau 12 tiếng đồng hồ ta đã có sản phẩm phân sạch không mùi, các vi khuẩn vi sinh trong phân khi ra môi trường tự nhiên tiếp tục ăn rễ thối giúp cây phát triển và làm cho đất tươi xốp.
BIOWAY là sáng chế độc quyền A-T đã được Hiệp hội Quản lí ngành Nông nghiệp Mỹ cấp bằng sáng chế là công nghệ xử lí các sản phẩm sau chăn nuôi tạo nguồn phân bón vi sinh tốt cho cây trồng, xử lí môi trường trong sạch, ổn định, được ngành chăn nuôi Mỹ khuyến cáo sử dụng rộng rãi trên toàn Liên bang.
Ông Hồng cho rằng, nếu có dịp trao đổi với lãnh đạo công ty, việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh các trại bò tập trung của TH sẽ được giải quyết mà phía công ty TH không phải bỏ ra đồng nào. Khoản tiền mà Công ty CP Thực phẩm sữa TH đang bỏ ra để xử lý chất thải hiện nay cần sử dụng để hỗ trợ cho các hộ dân trong vùng dự án di dời theo nguyện vọng.
Đứng trên đỉnh đồi, nơi có 3 hồ chứa phân lớn mới thấy nỗi lo của người dân nơi đây thật sự hiện hữu. Công ty CP Thực phẩm sữa TH không nên tiếp tục áp dụng “công nghệ” xử lý chất thải từ các trại bò tập trung ở Nghĩa Đàn như hiện nay và cần có phương án di dân ở khu vực bị ô nhiễm càng sớm càng tốt!
Theo www.hoanhap.vn
Bạn đang đọc bài viết Vẫn nhức nhối môi trường ở trang trại bò TH Nghệ An tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận