Xem xét lại quy trình cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài

25/07/2016, 09:39

TCDN - Trong phiên họp ngày 25/7 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV, vụ việc liên quan đến thảm họa môi trường Formosa vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận chia sẻ của một số đại biểu xung quanh việc giám sát và phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Thực tế vẫn còn quá nhiều điểm sơ hở

Ngoài Formosa còn một số vụ “lình xình” đáng được quan tâm nữa như lấp sông Đồng Nai chẳng hạn. Bởi vậy, cần phải rà soát các quy định pháp lý về xem xét, phê duyệt, phê chuẩn các dự án đầu tư nước ngoài vì trên thực tế vẫn còn quá nhiều điểm sơ hở.

Tại dự án Formosa, khi phê duyệt phải đánh giá cả các tác động của nó đối với môi trường ngay cả khi đã vận hành đầy đủ. Trước đây, trong các luận chứng kinh tế khả thi đáng lý là phải có đầy đủ từ chỉ tiêu tài chính kinh tế, giá trị đầu tư và cả tác động môi trường vì môi trường luôn có các tác động ngược trở lại tài chính nếu xảy ra các sự cố phát sinh.

Đặt vấn đề tại sao lại xảy ra vụ việc như ở Formosa, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định, tất nhiên có vấn đề là phía doanh nghiệp cố tình vi phạm, nhưng ở khâu xét duyệt cũng có sự sơ hở. Báo cáo tác động môi trường phải chăng chỉ dừng lại ở mức độ phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong khi đó, tác động môi trường phải là bộ phận của luận chứng kinh tế và khi hoàn thành luận chứng kinh tế là phải có đầy đủ; trong đó, bao gồm cả việc thải chất gì, sử dụng công nghệ xử lý gì… phương tiện, tác động, diễn tiến các giai đoạn, nguồn lực tài chính có đảm bảo việc xử lý.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị, trong chương trình giám sát của Quốc hội cần làm rõ trách nhiệm. Đồng thời, đề xuất có giám sát chuyên đề về pháp luật, đặc biệt cần giám sát riêng về cấp phép đầu tư; trong đó, có bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Các quy định phải mang tính hệ thống và chặt chẽ vì nếu không, các bộ ngành sẽ làm không thống nhất, không đầy đủ, thiếu trách nhiệm và sẽ có phát sinh. Không chừng, vài năm nữa lại có thêm Formosa mới, ông Nghĩa cảnh báo.

Việc xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến thảm họa mộ trường Formosa, theo ông Nghĩa phải được xem xét ở cơ quan cao nhất để biết trách nhiệm tới đâu và cần có quy trình, quyết định. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét toàn diện cả cá nhân và tổ chức có liên quan và hiện nay Chính phủ đang làm. Tuy nhiên, bên cạnh Chính phủ, Quốc hội cũng cần có cơ quan lâm thời xem xét, cả phần trách nhiệm cho đầy đủ.

Về trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trước sự vụ này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần sự lên tiếng ngay từ các đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Tĩnh và cả các Ủy ban của Quốc hội chứ không riêng mình cá nhân đại biểu Võ Kim Cự. Mặc dù sự việc đang được Chính phủ trực tiếp giải quyết, nhưng cá nhân và tổ chức có trách nhiệm khác cũng phải có ý kiến, nhất là các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cũng cần phát biểu trước cử tri của mình.

Trước sự cố nghiêm trọng này, các Uỷ ban của Quốc hội cũng cần nhập cuộc theo chức năng nhiệm vụ của mình, ít nhất là tự tìm hiểu, có thông tin, đề xuất, kiến nghị. "Nếu tất cả đều im lặng là điều không nên. Theo tôi đó là do cách làm, thói quen. Ví dụ nhiều người cứ nghĩ Chính phủ đã vào cuộc thì để Chính phủ lo. Như vậy, không đúng với tinh thần của Nghị quyết Đảng về kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước. Các cơ quan cũng phải làm, chứ tránh chờ đợi nhau” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn tỉnh Đồng Nai): Nên xem xét lại hệ thống pháp luật lẫn công tác giám sát của Quốc hội

Câu chuyện Formosa cảnh tỉnh chúng ta phải nâng cao chế tài đối với người làm sai. Nhưng, theo đúng nguyên lý thì “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” nên vẫn phải xem xét tất cả những gì đã làm. Họ là người bên ngoài đầu tư vào Việt Nam và luôn tìm kiếm lợi nhuận cùng những kẽ hở để tạo hiệu quả kinh tế. Nếu ta buông lỏng, thậm chí có người tiếp tay thì thiệt hại vẫn về ta.

Quốc hội cần xem xét lại quy trình cấp phép có đúng không, tại sao cấp địa phương có quyền cấp tới 70 năm, vượt qua khung của pháp luật và kể cả Chính phủ. Nếu được sự tán đồng của các cơ quan cấp Chính phủ thì Quốc hội đóng vai trò gì?- đại biểu đặt vấn đề.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, nên xem xét lại hệ thống pháp luật lẫn công tác giám sát của Quốc hội. Trong câu chuyện Formosa, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nằm ở đâu. Bản thân các Ủy ban có liên quan, kể cả các đại biểu đã làm gì trong quá trình người dân phản ánh. Do đó, đây là cơ hội để rà soát lại tất cả, không chỉ nhằm vào duy nhất Formosa.

Còn về các phát biểu của ông Võ Kim Cự, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, cũng sẽ được thẩm định lại, xem vấn đề nằm ở chỗ nào và trách nhiệm đến đâu để xử lý cho nghiêm. Chắc chắn giữa các bên sẽ có sự “đùn đẩy” và vì thế, Quốc hội phải giám sát bộ máy của mình từ chính quyền địa phương cho đến Trung ương.

Vụ việc này sẽ không thể hòa cả làng được bởi sau Formosa còn nhiều cái khác nữa. Tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ của riêng Formosa mà còn tiềm tàng nhiều nguy cơ ở nhiều cơ sở khác kể cả ở các doanh nghiệp trong nước.

Quy trình là thủ tục, mà thủ tục do con người vận hành nhưng điều quan trọng là không có ai giám sát. Hiện đang thiếu sự giám sát, thiếu cơ chế để người dân giám sát bởi họ sẽ trực tiếp nhất vì liên quan sát sườn. Chính người dân đã phát hiện ra vụ việc này, trong khi các cơ quan chức năng còn lúng túng, cần thời gian và cần biện pháp khoa học.

Trong Quốc hội nhiều thành phần là cơ quan hành pháp nên không thể vừa đá bóng vừa thổi còi. Ở địa phương có nhiều vấn đề, tính cả nể cũng như cơ chế khiến các đại biểu Quốc hội không thể phát huy hết vai trò của mình, tạo nên hạn chế cho Quốc hội. Đơn cử như ông Võ Kim Cự khi đó đã từng là Chủ tịch, rồi vừa là Bí thư kiêm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh thì làm sao giám sát được - đại biểu Dương Trung Quốc nhận xét.

Thực tế vụ việc đã xảy ra rồi phải thực hiện đúng luật. Có thể là Ủy ban Quốc gia giám sát, cũng có thể là Ủy ban lâm thời giám sát vấn đề này, nhưng cần cân nhắc xem làm thế nào cho phù hợp còn giám sát chắc chắn là điều phải thực hiện.

Tuy nhiên, không chỉ giám sát mình Formosa mà còn nhiều vụ khác như công trình xây dựng nhà máy giấy ở trung tâm đồng đồng bằng bắc bộ chẳng hạn. Nếu bây giờ không làm thì sẽ lại có một Formosa mới và tình trạng này diễn ra trong cả nước, kể cả ở những khu công nghiệp và với doanh nghiệp Việt Nam./.
Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Xem xét lại quy trình cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài tại chuyên mục Dòng vốn FDI của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận