​Thể chế chưa theo kịp yêu cầu đổi mới

09/01/2018, 03:12

TCDN -

Chất lượng hệ thống pháp luật thấp, sửa đổi liên tục; luật chồng chéo, mâu thuẫn; bộ máy công kềnh, hiệu lực kém... đang là rào cản về thể chế đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thể chế với phát triển kinh tế ở Việt Nam” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng 09/02.


GS.TSKH Lê Du Phong cho rằng, các rào cản về thể chế như: chất lượng hệ thống pháp luật thấp, sửa đổi liên tục; luật chồng chéo, mâu thuẫn; bộ máy công kềnh, hiệu lực kém...làm tha hóa đội ngũ doanh nhân và công chức. Ngoài lách luật chốn thuế, doanh nhân còn làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, mua chuộc cán bộ. Năm 2016 doanh nghiệp nợ thuế là 74,1 nghìn tỷ đồng; 9 tháng/2017 là 73,9 tỷ đồng.

PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, thể chế đối với khu vực doanh nghiệp không ít tồn tại. Cụ thể như: Vai trò của DNNN là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế còn hạn chế; Đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại DNNN; Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh việc thể chế đối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhận và cơ quan quản lý nhà nước. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế đối với khu vực doanh nghiệp, PGS.TS Trần Kim Chung nhấn mạnh, trước tiên cần giảm chi phí giao dịch. Theo đó, cần giảm các thủ tục hành chính, giảm thanh tra kiểm tra, không gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp, chú trọng khâu hậu kiểm thay vì tiền kiểm và có chế tài nghiêm khắc với các vi phạm.

Tiếp đó, thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa DNNN. Đối với các DNNN thuộc diện cổ phần hóa, cần xác định cổ phần hóa là nhiệm vụ quan trọng nhưng không được vì vội vàng mà dẫn tới mất vốn của Nhà nước.

Một vấn đề khác là tăng cường thể chế hướng tới kiểm soát các dòng tiền cũng là một cách để hạn chế tham nhũng, trốn thuế... Để làm được điều này, việc quan trọng nhất là phải hướng tới việc hạn chế giao dịch bằng tiền mặt.

Cuối cùng, thể chế hóa các quan hệ trong quy định hành vi, giao dịch. Trong đó, các chủ thể bình đẳng, các địa bàn phải bình đẳng.

PV
Bạn đang đọc bài viết ​Thể chế chưa theo kịp yêu cầu đổi mới tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận